12 dự án thua lỗ: PVTex đủ điều kiện ra khỏi danh sách
Như vậy, sau hơn một năm triển khai các công việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương, đến nay, kết quả đã có những dấu hiệu tích cực. Đáng chú ý trong đó, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đã hoạt động trở lại và bắt đầu có lãi.
PVTex nằm trong số 3 dựa án trước đây bị dừng sản xuất, cùng với Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước. Năm 2016, PVTex ghi nhận khoản lỗ 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi trở lại hoạt động, trong 6 tháng đầu năm 2018 doanh nghiệp này đã báo lãi 83 tỷ đồng. Vừa qua, PVTex đã ký hợp đồng gia công với An Phát Holdings và Công ty cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn.
PVTex ký hợp đồng gia công với An Phát Holdings và CTCP Xơ sợi tổng hợp An Sơn. |
PVTex chỉ là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành công thương. Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém tại 12 dự án này được Thủ tướng Chính phủ thành lập, trong hơn một năm qua đã trực tiếp tới các dự án, làm việc với các đơn vị và đã có các chỉ đạo cụ thể cho từng dự án...
Cho nên, cùng với PVTex, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã sẵn sàng để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo ông An, do thời điểm này giá sắn đang cao, nếu vận hành nhà máy thì chi phí đã mất 7 tỷ đồng, sẽ không có lãi, nên chưa cho nhà máy hoạt động.
“Có cần mất 7 tỷ đồng để chứng minh nhà máy đã hoạt động được hay không?”, ông An đặt vấn đề.
Trong 12 dự án, có 6 dự án trước đây thua lỗ, gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai, Thép Việt Trung, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Đến nay cũng đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, đó là DAP số 1 - Hải Phòng và Thép Việt Trung.
Thép Việt Trung hiện đã hoạt động trở lại bình thường, theo ông An, nhà máy này đã khắc phục được những tồn tại cơ bản, cả về điều lệ, về mặt pháp lý cũng như quản trị. Bộ Công Thương cũng đang dự tính trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép đưa Nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ này.
Với 4 dự án còn lại, đến nay cả 4 dự án đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định. Trong đó, DQS đang thuê đơn vị triển khai quyết toán, kiểm toán hợp đồng EPC, dự án tàu 104.000 tấn chưa quyết toán được với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Theo thứ trưởng Đặng Hoàng An, do DQS có nhiều tài sản đầu tư có giá trị cao, khấu hao lớn nên đơn vị này kinh doanh khó khăn, nhưng nếu được giãn khấu hao thì DQS hoạt động vẫn có lãi.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, gồm Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, thì Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên đang được tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng.
Tính đến tháng 5/2018 mỏ Quý Sa của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã tiêu thụ được 2,58 triệu tấn quặng, có lãi hơn 423 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay việc khai thác ở mỏ Quý Sa vừa sử dụng trong nước vừa xuất khẩu thì tình hình không khó khăn nữa.
Riêng Nhà máy bột giấy Phương Nam thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, nhưng đã ba lần đưa ra bán mà không bán được. Tuy nhiên, Bộ Công Thương phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án thua lỗ yếu kém.
“Nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra”, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết.
Danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công Thương: - 4 dự án sản xuất phân bón, gồm: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai; - 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học: Nhà máy Quảng Ngãi, Nhà máy Phú Thọ và Nhà máy Bình Phước; - 2 dự án sản xuất thép: Nhà máy Thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; - Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); - Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); - Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam. |