3 giải pháp mạnh giữ ổn định mặt bằng lãi suất
Giữ vững ổn định lãi suất | |
Ngân hàng tìm cách ổn định lãi suất | |
Để giảm và ổn định lãi suất |
TS. Cấn Văn Lực |
Gần đây lãi suất trên thị trường liên NH (thị trường 2) liên tục giảm. Có ý kiến cho rằng đây là điều kiện để các NH giảm lãi suất huy động trên thị trường 1. Từ đó giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất trên thị trường 2 không tác động đến thị trường 1 do hai mục tiêu thị trường này khác nhau.
Ông có thể nói rõ hơn sự khác nhau này?
Hai thị trường 1 và 2 không hẳn độc lập nhưng mục đích lại khác nhau. Mục đích của thị trường 1 là NH liên tục huy động vốn từ dân cư, tổ chức đảm bảo nguồn vốn ổn định từ ngắn hạn đến trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay vốn nền kinh tế. Còn thị trường 2, là NH cho vay lẫn nhau để bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Giờ thanh khoản đang dồi dào thì NH không vay thêm làm gì.
Hơn thế, thị trường 2 chỉ chiếm một thị phần nhỏ đối với hoạt động huy động vốn của NH. Theo quy định hiện hành, với 100 đồng mà các TCTD huy động được từ thị trường 1 thì họ phải trích vào dự trữ bắt buộc; mua một số giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao… Phần còn lại NH mới mang ra kinh doanh.
Do đó, xét về mục đích, quy mô, mặt bằng lãi suất từ thị trường 2 không tác động đến thị trường 1. Có thể tác động về mặt tâm lý nhiều hơn. Nên trên thị trường vẫn có NH tăng LSHĐ vì tín dụng đang tăng trưởng tốt. Còn lãi suất trên thị trường 2 vẫn giảm do nhu cầu vay mượn giảm, mà vốn dư tạm thời lại nhiều.
Theo ông có cơ hội nào để lãi suất giảm trong thời gian còn lại của năm?
Trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức 4-4,5%, mà trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của NH đang là 5,5%, nếu hạ thấp quá người dân sẽ không gửi tiền. Đấy là một vấn đề khiến đầu vào NH khó. Vấn đề thứ hai, nhu cầu huy động vốn từ nay đến cuối năm vẫn ở mức cao do NH phải chuẩn bị nguồn lực đẩy mạnh tín dụng.
Ngay cả đối với thanh khoản, tuy thanh khoản các NH đang khá tốt nhưng không phải quá dồi dào, vì hiện nay chỉ số LDR bình quân hệ thống khoảng 86% khá hơn thời gian trước. Nhưng điều đó không có nghĩa các NH thừa tiền quá nhiều mà đang ở mức vừa phải. Nợ xấu còn tồn đọng nhiều, lại chưa có phương án xử lý triệt để nên NH vẫn phải trích lập DPRR cho phần nợ xấu bán cho VAMC… Xét tất cả những yếu tố trên rõ ràng việc giảm lãi suất sẽ không đại trà được.
Mấy ngày qua, tỷ giá tăng trở lại, theo ông có phải do thanh khoản đang dư thừa nên NH lại “lướt sóng” ngoại tệ?
Không có chuyện đó. Tỷ giá tăng trong mấy ngày qua do nguyên nhân khách quan nhiều hơn. Đó là FED phát đi thông điệp về khả năng tăng lãi suất. Điều này đồng nghĩa với việc USD tăng giá. Cùng việc đó một số nước khác có động thái điều chỉnh giảm tỷ giá như CNY… tạo ra áp lực đối với đồng VND.
Ngoài ra, tuy hiện quan hệ cung cầu USD đang khá tốt nhưng mỗi khi đến thời điểm cuối năm, nhu cầu USD cũng tăng cao hơn, nhất là việc NHNN vẫn cho phép các DN vay ngắn hạn ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 07.
Khả năng mức điều chỉnh FED có lớn không, thưa ông?
Còn phụ thuộc diễn biến kinh tế Mỹ. Nhưng theo tôi chắc mức điều chỉnh chỉ nhỏ giọt vì kinh tế của Mỹ còn nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh như vậy, theo ông, xu hướng lãi suất diễn biến thế nào trong thời gian còn lại của năm?
Theo tôi tinh thần chung là chúng ta cố gắng không để tăng lãi suất. Và để làm được điều này thì phải kiểm soát tốt lạm phát, đẩy nhanh hơn tiến độ xử lý nợ xấu, công cuộc tái cơ cấu những NH yếu kém còn lại phải khẩn trương hơn để tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Với 3 giải pháp mạnh như vậy, cùng giải pháp tiếp tục giảm chi phí hoạt động, tôi nghĩ, các NH có thể giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!