Ngân hàng tìm cách ổn định lãi suất
Thanh khoản tích cực tạo điều kiện giữ ổn định lãi suất huy động | |
Để giảm và ổn định lãi suất | |
Đủ cơ sở ổn định lãi suất, tỷ giá |
NH tích cực tiết giảm chi phí
Trong hơn 1 tuần nay, một số NH lại tiếp tục rậm rịch tăng lãi suất huy động. Nhưng khác với tuần trước đó, lần này các NH lại tăng ở kỳ hạn dài hơn.
Có hai nguyên nhân chính NH tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài hơn được Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng đưa ra đó là các NH tích cực tuân thủ quy định mới tại Thông tư 06 của NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, cụ thể là điều chỉnh chỉ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cho phù hợp.
Bức tranh lãi suất cho vay ngắn hạn không tăng thậm chí có thể giảm |
Các NH muốn tuân thủ quy định trên rõ ràng dự trữ thanh khoản các NH cao lên, tỷ lệ cho vay trên huy động thấp đi. Hoặc NH muốn cho vay trung dài hạn thì phải huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn. Mà để huy động được vốn trung, dài hạn, NH phải tăng lãi suất, chấp nhận chi phí vốn cao lên. Lý do nữa là NH chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng tín dụng sắp tới.
Theo quan sát của vị CEO trên, hiện nhu cầu vốn trung, dài hạn của DN đang có tín hiệu tăng lên. Các DN có vẻ yên tâm với tín hiệu tích cực từ nền kinh tế nên nhu cầu vay trung, dài hạn mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Theo đó, cầu tín dụng trung, dài hạn cao hơn ngắn hạn. Và dẫn đến bức tranh lãi suất cho vay ngắn hạn không tăng thậm chí là giảm đi. Trong khi đó lãi suất cho vay trung dài hạn có thể tăng lên.
Tuy nhiên trước hiện tượng một số NHTM tăng lãi suất huy động cũng khiến các DN cũng bày tỏ lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Lo lắng này là tất yếu bởi về lý thuyết, đầu vào tăng, đầu ra cũng phải tăng theo để NH đảm bảo lợi nhuận, cuối năm có được tỷ lệ cổ tức tốt cho các cổ đông.
Nhưng thời điểm này, thực tiễn xảy ra không hẳn như vậy. Ngoài yếu tố bề nổi tác động đến lãi suất như trên còn có những nhân tố khác quan trọng không kém đó là chi phí rủi ro và chi phí hoạt động. Nếu NH nào có cơ cấu hoạt động gọn nhẹ, chi phí hoạt động tiết kiệm hơn, hay nói cách khác năng suất lao động cao thì chi phí hoạt động thấp.
Một nhân tố tác động trực tiếp, nhanh hơn đó là chi phí rủi ro. NH nào thu nợ xấu tốt thoát nhanh ra khỏi tình cảnh nợ xấu cao thì chắc chắn chi phí rủi ro của họ sẽ thấp. Khi chi phí rủi ro thấp giúp NH ít nhất giữ mặt bằng lãi suất dù đầu vào có tăng thêm.
Phó Tổng giám đốc HDBank TS. Lê Thành Trung cũng thừa nhận, chính nhờ tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị điều hành, tích cực xử lý nợ xấu, thực hiện theo chuẩn mực quốc tế để đưa chi phí của hoạt động cũng như chi phí vốn xuống thấp hơn… đã tạo điều kiện cho các NH giảm lãi suất cho vay dù chịu sức ép từ tăng chi phí đầu vào.
Chưa kể yếu tố cạnh tranh cả bên trong với bên ngoài thị trường, buộc các NH phải cân đối bài toán chi phí vốn một cách hợp lý. Theo chia sẻ của lãnh đạo một NH, thời điểm này, không chỉ áp lực từ việc cạnh tranh giữa các NH để tìm khách hàng tốt, mà NH còn phải cạnh tranh với các nguồn cung cấp tài chính khác. Đó là các công ty tài chính, nhiều DN tốt còn phát hành trái phiếu huy động trực tiếp từ NĐT thay vì vay vốn NH… Do vậy, không phải nói tăng lãi suất huy động là NH có thể tăng ngay lãi suất cho vay được.
“Với diễn biến như hiện tại, tôi không nghĩ lãi suất có biến động phức tạp mà có thể NH sẽ phải tiếp tục chịu thiệt thu hẹp margin thêm”, lãnh đạo NH trên bày tỏ.
“Giữ” mặt bằng lãi suất
Bên cạnh nỗ lực của các NH, theo đánh giá các chuyên gia, với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định. Qua đó, giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh.
Cụ thể, NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua các công cụ CSTT để đảm bảo thanh khoản đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện cho các TCTD giữ ổn định lãi suất huy động. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay…
Việc duy trì mặt bằng lãi suất trước những áp lực là điểm cộng đối với nhiều NH. Nhưng cũng đang là thách thức của không ít NH khác. Bởi nếu như không tiết giảm chi phí, sử dụng chi phí hợp lý, không tích cực xử lý nợ tạo ra nguồn vốn rẻ thì biên lợi nhuận giảm, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Vì vậy, một trong những giải pháp sắp tới các NH cần phải đẩy mạnh đó là tích cực xử lý nợ xấu để giảm chi phí rủi ro. Điều này giúp NH dễ thở hơn trước áp lực lãi suất và chi phí vốn.
Theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động xử lý nợ xấu đang được các NH thực hiện khá ráo riết thông qua nhiều hình thức đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản… và đạt được kết quả tích cực. Và nhờ thu nợ tốt giúp các NH hoàn nhập quỹ dự phòng, tăng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm.
Tất nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc xử lý nợ xấu nhất là xử lý tài sản còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các NH đã khá linh hoạt trong quá trình thu hồi nợ. Theo kinh nghiệm của một CEO, bên cạnh cơ chế giám sát chặt chẽ, việc linh hoạt, thậm chí là sáng tạo đưa ra nhiều phương pháp trong xử lý nợ xấu cũng giúp NH thu hồi nợ xấu tốt hơn.
Theo vị này, trong thời gian qua, nhiều khách hàng bị nợ xấu do gặp khó khăn khách quan, bản thân họ không mong muốn như vậy. Khi xác định như vậy, thay vì dồn ép DN, NH nên lắng nghe, chia sẻ và đưa ra giải pháp tháo gỡ. Trừ trường hợp khách hàng có dấu hiệu lừa đảo, bất hợp tác thì NH mới dùng biện pháp mạnh như khởi kiện.
Vị này lấy ví dụ, có tài sản NH xác định nếu đem khởi kiện đối đầu khách hàng sẽ khó giải quyết. Nên thay vì thực hiện cách này, NH chấp thuận nhận gán nợ tài sản, tiếp tục cho DN vay vốn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau một thời gian làm ăn tốt hơn, họ xin NH bán đấu giá tài sản đó và tham gia mua lại. Như vậy, cả NH và khách hàng đều có lợi.