30 năm Agribank: Sứ mệnh vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn
Hiện thực mục tiêu giảm nghèo bền vững | |
Về một đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới |
Nhân kỷ 30 năm ngày thành lập Agribank, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của một NH mang sứ mệnh đầu tư chủ lực vào tam nông.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú |
Công tác lâu năm trong ngành NH, và cũng từng là một trong những cán bộ đầu tiên của Agribank những ngày đầu thành lập, Phó Thống đốc đánh giá thế nào về sự trưởng thành và lớn mạnh của Agribank?
Đến giờ phút này tôi vẫn cảm thấy xúc động, vinh dự khi là lớp cán bộ đầu tiên của Agribank mặc dù khi đó còn rất trẻ mới vào Ngành. Sự ra đời của các NHTM nói chung, Agribank nói riêng (1988) là bước chuyển đổi mô hình quan trọng nhất của ngành NH từ khi thành lập (1951) - từ mô hình NH một cấp sang hai cấp. Mục tiêu ban đầu khi thành lập Agribank là cho ra đời một NH đảm đương cung cấp tín dụng cho toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đây cũng chính là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi cơ chế quản lý và vận hành, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp khi “khoán 10” (Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị) trong nông nghiệp ra đời như một luồng gió mới cho cơ chế tự chủ.
Nhiệm vụ quan trọng thời kỳ này là tập trung ưu tiên đầu tư cho ba chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Phải nói rằng, Agribank được hình thành rất nhanh, bắt nhịp ngay với xu hướng đổi mới của nền kinh tế, phát triển hệ thống mạng lưới trên toàn quốc theo cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành ba cấp: cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
Sự nhạy bén đó giúp cho Agribank bắt tay ngay vào chức năng và nhiệm vụ chủ yếu là huy động và cho vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trong đó hộ nông dân là đối tượng quan trọng được xác định hướng tới.
Cũng bởi ra đời vào đúng thời kỳ nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường với bộn bề khó khăn, nhất là những di sản nặng nề của quá khứ quan liêu bao cấp… Agribank đã gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với những cải cách ghê gớm: chuyển đổi từ bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh; sắp xếp lại bộ máy cồng kềnh do tiếp nhận chủ yếu hệ thống NH một cấp trước đây.
Thời bấy giờ giảm biên chế ngay hàng nghìn người là việc rất khó khăn. Nhưng chỉ sau một năm (1992 – 1993), Agribank đã giảm được trên 10 nghìn người. Tôi cho rằng, đây là một trong những cải cách rất lớn của Agribank trong thời kỳ 10 năm đầu thành lập.
Đồng thời một loạt chính sách lớn khác được thực hiện trong giai đoạn này tạo nền tảng quan trọng cho hoạt động của Agribank sau này, bao trùm hơn cả là phải đẩy mạnh hoạt động NH theo hướng hạch toán kinh tế, kinh doanh thương mại. Đó là cơ chế huy động vốn để cho vay, khoán tài chính đến từng chi nhánh và người lao động.
Theo đó, thu nhập của cán bộ, viên chức phụ thuộc trực tiếp vào kết quả kinh doanh, thu nợ, thu lãi. Có thể nói, đây là cơ chế rất sáng tạo, phù hợp với một NH có mạng lưới lớn, nhân viên quá đông, hoạt động trên những địa bàn có môi trường và điều kiện kinh doanh khác nhau.
Tuy sứ mệnh quan trọng của Agribank khi thành lập là chuyên tâm phục vụ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhưng hướng tới người nghèo, vì người nghèo cũng là những nhiệm vụ to lớn đặt lên vai Agribank ngay từ những năm đó. Nông dân nghèo - nông nghiệp lạc hậu, là hai mặt của một vấn đề nhưng đều có chung nhau một sự cần thiết: đó là vốn.
Thấu hiểu người nghèo với cuộc sống vô cùng khó khăn, năm 1994 Agribank đã thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo. Đây cũng là tiền đề cho việc thành lập NH Phục vụ người nghèo trực thuộc Agribank năm 1995.
Đề xuất này được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao. Có thể nói sự hình thành và phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội sau này chính là xuất phát điểm từ ý tưởng của Agribank năm 1994. Lúc bấy giờ nếu không phải Agribank thì tôi nghĩ rằng cũng không NH nào có thể kiên nhẫn, bền bỉ và đủ năng lực đảm nhiệm thực hiện tốt được nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo hơn được Agribank.
Thời gian qua đi, với những tên gọi khác nhau trong từng thời kỳ lịch sử phát triển kinh tế của đất nước: Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Việt Nam (1988-1989); Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (1990-1995); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (1996 - nay), sứ mệnh vì sự phát triển nông nghiệp Việt Nam, vì nông dân, nông thôn vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình của Agribank.
Và tất nhiên, trên hành trình đó không bao giờ là con đường phẳng lặng, nhiều thời kỳ là thử thách và khó khăn, là tổn thất và mất mát, là sai lầm và trả giá. Song đó cũng là môi trường tôi luyện để Agribank ngày càng bản lĩnh hơn, vững vàng hơn và thành công hơn.
Đến hôm nay chúng ta đã có Agribank, một NHTM lớn, đa năng, đứng đầu trong nhiều lĩnh vực, trụ cột và công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong thực thi chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.
Có thể nói, con đường phát triển của Agribank cũng song song với con đường đi lên của nền nông nghiệp Việt Nam. Sự lớn mạnh của hệ thống Agribank gắn chặt với sự đổi mới bộ mặt nông thôn Việt Nam qua từng giai đoạn. Những kết quả hoạt động của Agribank luôn đồng hành với sự phát triển và nâng cao đời sống của người nông dân Việt Nam.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc đánh giá thế nào về vai trò thực thi các chính sách của Agribank trong suốt chặng đường qua?
Mặc dù đã ba lần đổi tên và ngay tên gọi bây giờ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thể hiện rõ vai trò, chức năng của nó. Phải chăng tạo hóa đã sinh ra NH này để thực hiện cái sứ mạng gắn với nông nghiệp, nông thôn, gắn với hơn 70% dân cư sinh sống ở khu vực đó. Thời điểm đó, ngoài Agribank có chi nhánh, mạng lưới ở khu vực nông nghiệp nông thôn, thì hầu như không có bóng dáng của NHTM nào ở khu vực này. Trách nhiệm cao cả đó đặt hết lên vai của Agribank.
Agribank đã phải dải hàng vạn cán bộ đến từng hang cùng ngõ hẻm, vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo… chắt chiu gom nhặt từng đồng vốn huy động để cho vay tới từng hộ nông dân trên khắp mọi miền đất nước. Huy động và cho vay chủ yếu các món nhỏ lẻ, chi phí nhiều, lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, lương và thu nhập cán bộ Agribank không cao, nhưng họ vẫn thầm lặng, vẫn miệt mài cho những đồng vốn tín dụng trong suốt hành trình 30 năm qua.
Cũng bởi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn là mặt trận hàng đầu nên Agribank luôn sẵn sàng tiên phong triển khai bất cứ chính sách tín dụng nào cho nông nghiệp nông thôn. Vừa ra đời, NH đã bắt tay ngay vào hỗ trợ chính sách khoán 10 trong nông nghiệp bằng việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình cho vay thí điểm hộ nông dân; tham gia tích cực chương trình tín dụng đánh bắt cá xa bờ; đề xuất và thực hiện chương trình tôn nền, làm nhà trên cọc Đồng bằng sông Cửu Long...
Những năm tiếp theo của thập kỷ 90 là chương trình lương thực và xuất khẩu của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển nông sản và chăn nuôi đại gia súc khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cho vay kinh tế hộ, nông trường và hợp tác xã ở miền Bắc...
Gần đây và hiện nay là các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, cho vay theo Nghị định 55 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67 về phát triển khai thác thủy sản, đánh bắt cá xa bờ; chương trình tái canh cây cà phê; cho vay xây dựng nông thôn mới; tín dụng nông nghiệp sạch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ DNNVV, kết nối tham gia chuỗi liên kết giá trị…
Bất cứ chương trình, chính sách tín dụng nào thì Agribank vẫn là người bạn đồng hành chung thủy, trách nhiệm và đi đầu cho vay với dư nợ cao nhất trong hệ thống. Cây lúa, con cá, con tôm vùng Tây Nam bộ; cây công nghiệp ở Tây Nguyên; nuôi trồng gia súc nông sản ở Tây Bắc... đều rất cần những đồng vốn của Agribank. Ngay cả khi hạn hán, bão lũ, dịch bệnh... thiệt hại nặng nề bởi thiên tai thì Agribank vẫn luôn là người bạn đồng hành chia sẻ và đi đầu trong hỗ trợ người dân và DN.
Điều đáng nói, Agribank luôn tiên phong thực thi cácchủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Chỉ nói đến lãi suất cho vay ưu đãi, khi triển khai NH gặp không ít khó khăn, vì phần chênh lệch chậm hoặc không được cấp bù kịp thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tài chính của NH và thu nhập của cán bộ. Nhưng điều đó không làm giảm đi trách nhiệm của Agribank với các đối tượng ưu tiên và các chương trình tín dụng chính sách.
Điều tôi nhận thấy từ Trung ương đến địa phương, từ hội sở chính đến các chi nhánh qua các thế hệ cán bộ suốt 30 năm. Sự chân thành mộc mạc, những nghị lực và quyết tâm như gắn chặt, hòa quyện để tạo nên trách nhiệm chính trị và xã hội rất cao đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của đất nước.
Mặc dù được sáng tác đã rất lâu, nhưng lời ca và giai điệu bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý mỗi khi nghe lại, tôi cảm nhận như vẫn dành trọn vẹn cho mỗi cán bộ Agribank hôm qua và hôm nay.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, theo Phó Thống đốc, Agribank cần làm gì để tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế?
Agribank đã có quá trình phát triển mạnh mẽ, có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vừa qua, Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011- 2016, Agribank là một trong những NH đã đi đúng hướng, khá thành công, đạt nhiều kết quả trên các mặt, khắc phục và xử lý tích cực những yếu kém, tồn tại từ nhiều năm, tạo điều kiện nền tảng thuận lợi cho Đề án tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo đến năm 2021.
Cho dù những thành công rất đáng khích lệ vừa qua của cả hệ thống Agribank nhưng Agribank cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự cạnh tranh về thị phần hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng gay gắt khi nhiều các TCTD khác tập trung chuyển mạnh sang thị trường bán lẻ, tìm kiếm khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, mở thêm nhiều màng lưới giao dịch ở vùng nông thôn.
Cuộc cách mạng công nghệ đòi hỏi các dịch vụ tiền tệ, tín dụng, NH ngày càng phải hiện đại, đa năng, đang là chìa khóa thắng lợi trong môi trường cạnh tranh gay gắt mà Agribank có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn.
Mặt khác, kinh tế thị trường tiếp tục là thước đo cho tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, trong đánh giá năng lực quản trị và điều hành. Để tiếp tục khẳng định vị thế và phát triển bền vững, đòi hỏi Agribank phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ toàn diện hoạt động, từ bộ máy con người đến cơ chế vận hành, nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản trị đảm bảo đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Một giải pháp lớn đã và đang đặt ra cho một bước chuyển đổi căn bản tiếp theo là nhanh chóng tiến tới cổ phần hóa Agribank. Cổ phần hóa phải được xem là quá trình phát triển tất yếu trong tiến trình tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo, đáp ứng những yêu cầu của kinh tế thị trường đối với một NHTM đa năng.
Tôi cho rằng, cơ hội và thách thức đan xen trong thời gian tới đây. Vấn đề là Agribank sẽ vượt qua thách thức để nắm lấy cơ hội ra sao. Nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ là hết sức nặng nề đối với Agribank, vừa phải tiếp tục đảm trách sứ mạng cao cả vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh theo cơ chế và nguyên tắc thị trường.
Phát huy truyền thống và thành tựu của bề dày lịch sử 30 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần quyết tâm chính trị đã được tôi luyện trong những chặng đường gian khó qua các thế hệ cán bộ, tôi luôn tin rằng Agribank sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, giữ vững thương hiệu đã đi vào niềm tin và tình cảm của khách hàng, phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống NH Việt Nam, tiếp tục đồng hành cùng tam nông, lớn mạnh cùng kinh tế đất nước.
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!