5 nhóm nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Mục tiêu chung của Đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đề án cũng đề rá các mục tiêu cụ thể như đến năm 2020, 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.
100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đến năm 2025, 100% các đại học, học viện, trường đại học, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
5 nhóm giải pháp
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh thông tin, truyền thông; Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; Tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Về giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp, Đề án nêu rõ: Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường (bao gồm các nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học sinh viên,…) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong trường.
Bên cạnh đó, xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa; hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.