Agribank với quyết tâm đẩy lùi tín dụng đen
Tiếp tục trấn áp tội phạm tín dụng đen | |
Nhiều giải pháp nhằm hạn chế tín dụng đen | |
Hạn chế 'tín dụng đen' - Ghi nhận những nỗ lực từ phía ngành Ngân hàng |
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng đến thăm hỏi nông dân vay vốn sản xuất muối trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận |
Nói không với tín dụng đen
Tình trạng tín dụng đen bùng phát với lãi suất cắt cổ đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong xã hội trong thời gian qua. Theo báo cáo của Bộ Công an trong 5 tháng đầu năm 2019 đã triệt phá được 933 băng nhóm loại tội phạm này, giảm không nhiều so với năm 2018. Điều rất đáng quan tâm là trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đến năm 2018 thì chỉ 34 vụ bị xử cho vay nặng lãi, chiếm 2%, tức là rất ít.
Trước đó, tại nhiều hội nghị Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận: Thời gian qua, trên cả nước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội. Một loạt kế hoạch hành động của ngành nhằm triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần ngăn chặn tín dụng đen đã được ngành Ngân hàng triển khai.
Nhận thức trách nhiệm của một định chế tài chính lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định cần có những hành động thiết thực trước nạn tín dụng đen có xu hướng gia tăng và hoành hành ở các vùng quê. Lãnh đạo Agribank cho biết, trong thời gian qua, Agribank đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực như phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Với 58.743 tổ vay vốn, 1.377.234 khách hàng, dư nợ của Agribank tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước đạt trên 115.608 tỷ đồng (tăng 24.798 tỷ đồng so với năm 2017), tỷ lệ nợ xấu thấp, chiếm 0,33% trong tổng dư nợ.
Cùng với mô hình tổ vay vốn được xem như hệ thống “chân rết” đến từng thôn, bản tại các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh nhất, Agribank đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với chức năng là một kênh dẫn vốn hiệu quả với chi phí thấp, giảm thời gian đi lại, đảm bảo sự an toàn cho khách hàng, đồng thời phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt nạn tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đến nay ngân hàng đã phục vụ 414.173 khách hàng với số tiền 5.160.477 triệu đồng. Trong năm 2019, Agribank tiếp tục triển khai điểm giao dịch lưu động đến 50% số xã, huyện trên toàn quốc nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu về vốn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thể hiện quyết tâm cùng ngành Ngân hàng đối với việc “nói không với tín dụng đen”, trong thời gian qua, Agribank đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp mở rộng tín dụng với các gói hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN đối với các lĩnh vực ưu tiên và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho mọi đối tượng khách hàng, nhất là người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư.
Đặc biệt, trong năm 2019, Agribank tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng của cá nhân, hộ sản xuất với mong muốn đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân, tạo thuận lợi tối đa để người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Với thủ tục nhanh chóng, ưu tiên thực hiện xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày, đảm bảo thời gian thẩm định cho vay được rút ngắn, cụ thể: đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn hạn và chứng minh được nguồn trả nợ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng theo quy định hiện hành của NHNN.
Agribank căn cứ vào mục đích sử dụng vốn, nguồn thu nhập của khách hàng, quy định về giải ngân để áp dụng phương thức cho vay, giải ngân linh hoạt, phù hợp đối với các mục đích đã thẩm định, hợp đồng tín dụng đã ký như thấu chi tài khoản thẻ ghi nợ nội địa, cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ… Chương trình này được đón nhận một cách tích cực.
Tính đến 30/4/2019, sau 4 tháng triển khai chương trình, Agribank đã đạt được một số kết quả tích cực với doanh số cho vay đạt 471 tỷ đồng với 21.795 khách hàng, tập trung chủ yếu vào các nhu cầu về mua sắm vật dụng sinh hoạt; sửa chữa nhà ở; mua, sửa chữa phương tiện phục vụ đi lại; học tập, chữa bệnh và các nhu cầu tiêu dùng hợp lý khác.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa chương trình cho vay 5.000 tỷ đồng của Agribank, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, chương trình 5.000 tỷ đồng “sáng vay, chiều nhận” của Agribank bản chất là gói vay tiêu dùng - một sản phẩm tín dụng bình thường, chỉ khác đây là một sản phẩm tiêu dùng trị giá nhỏ, tối đa chỉ lên tới 30 triệu đồng nên các thủ tục cho vay được Agribank cắt giảm bớt nhằm cho vay kịp thời trong ngày.
Việc ngân hàng tung ra chương trình cho vay 5.000 tỷ đồng, theo bà Phượng thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Agribank trong việc gia tăng các biện pháp để đẩy lùi nạn tín dụng đen ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Chứ không phải để xóa tín dụng đen hay chặn đứng tín dụng đen. Đó là một cách hiểu lệch lạc.
Theo vị lãnh đạo của Agribank, tín dụng đen gắn với tội phạm. Tội phạm gắn với tệ nạn xã hội ở nông thôn. “Cách nào để chặn tín dụng đen? Đó là sự phối hợp của ngành công an, của ngành Ngân hàng và các cấp chính quyền địa phương trong việc xử lý tệ nạn xã hội gắn với tội phạm”, Phó Tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh.
Điểm sáng trong cuộc chiến tín dụng đen
Chống tín dụng đen luôn được nhìn nhận là cuộc chiến gian nan. Nhưng ở đâu, có sự vào cuộc quyết liệt từ các sở, ban, ngành, địa phương thì ở đó, tín dụng đen không có đất diễn. Ninh Thuận là điển hình. Giám đốc Agribank Ninh Thuận ông Đinh Xuân Sơn, cho biết, cánh cửa với tín dụng đen trên địa bàn Ninh Thuận đang “nhỏ lại” bởi thời gian vừa qua, tất cả các chi nhánh của Agribank trên địa bàn đều tích cực cho vay hình thức ủy thác thông qua các hội, đoàn thể các tổ vay vốn tại từng địa phương.
Ngân hàng còn triển khai xe tín dụng lưu động đến từng xã, vùng sâu vùng xa. Đồng thời, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng ở các vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, bám sát chủ trương của toàn hệ thống, Agribank Ninh Thuận cũng đã tích cực triển khai chương trình 5.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn. Lãnh đạo chi nhánh quán triệt tinh thần cán bộ, nhân viên đều phải nghiêm túc tuân thủ quy định: Cán bộ tín dụng không quan hệ dưới bất cứ hình thức nào với tín dụng đen hay cho vay dưới bất cứ hình thức nào ngoài tín dụng qua kênh chính thức. Nếu có đối tượng khả nghi hoạt động tín dụng đen sẽ phải báo với cơ quan công an để theo dõi và có hướng xử lý phù hợp.
Các giải pháp đồng bộ của Agribank chi nhánh Ninh Thuận đã phát huy hiệu quả, dù quy mô tín dụng của địa bàn không phải lớn so với các tỉnh thành khác, nhưng đến thời điểm giữa tháng 6/2019, đã có 102 hộ vay theo chương trình tín dụng 5.000 tỷ đồng với dư nợ đạt 5,7 tỷ đồng. Nhờ được ngân hàng đáp ứng vốn đầy đủ kịp thời nên người dân cũng đã giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, nhiều người dân tại Ninh Thuận đều nhận thức được những rủi ro khi rơi vào bẫy tín dụng đen như thế nào. Do đó, khi có nhu cầu chính đáng và cấp thiết, người dân nơi đây đều tìm đến Agribank thông qua các tổ vay vốn hay như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… “Cứ có nhu cầu là chúng tôi vay Agribank. Thủ tục đơn giản, lãi suất lại thấp. Chứ vay tín dụng đen lãi suất cao lắm nông dân làm sao chịu nổi, làm sao có tiền để trả”, bà Châu Thị Kim Hoa - một khách hàng của Agribank chi nhánh Ninh Phước cho hay.
Chia sẻ thêm về giải pháp hạn chế tín dụng đen, ông Sơn cho biết, thời gian qua, đối tượng hoạt động tín dụng đen ngoài bắc vào Ninh Thuận phát triển tín dụng đen cũng đã phần nào bị hạn chế bởi lực lượng công an Ninh Thuận đã quyết liệt khoanh vùng, giám sát các hoạt động của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu khả nghi, liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, gây bất ổn đến đời sống xã hội của người dân vùng nông thôn. Hiện tượng “tín dụng cột điện” tại Ninh Thuận đã không còn xuất hiện. Đến nay, Ninh Thuận đang được xem như một điểm sáng trong cuộc chiến với tín dụng đen.