Ẩn số vốn FDI rút khỏi Trung Quốc
FDI làm chậm nâng cao chất lượng nhân lực | |
Thoát vòng luẩn quẩn FDI | |
Thu hút FDI: Hướng tới mục tiêu chủ động, bình đẳng, chọn lọc |
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang, nhiều ý kiến cho rằng dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Tuy nhiên liệu Việt Nam thực sự có cơ hội tiếp nhận dòng vốn này hay không, và có thể tiếp nhận được dòng vốn chất lượng cao như kỳ vọng lâu nay hay không, vẫn đang là một ẩn số.
Việt Nam cần chú trọng thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao |
Làn sóng dịch chuyển rõ nét hơn
Theo báo cáo từ Công ty Maybank Kim Eng Research công bố hôm 22/10, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 18%. Trong khi đó, từ tháng 1 đến tháng 7, FDI ròng của Thái Lan tăng 53% so với 1 năm trước đó lên mức 7,6 tỷ USD, với dòng vốn đầu tư vào sản xuất tăng gấp 5 lần. Tại Philippines, FDI ròng đầu tư vào sản xuất đạt 861 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức 144 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Những chuyển động này cho thấy làn sóng rời bỏ “công xưởng của thế giới” để chuyển sang đầu tư tại khu vực Đông Nam Á - khu vực được đánh giá có chi phí rẻ hơn, đang ngày một rõ nét. “Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến nhiều DN chuyển dịch sản xuất sang ASEAN để né tránh việc bị áp thuế. Các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng, phần cứng công nghiệp, công nghệ, viễn thông, ô tô và hóa chất đang được chuyển dịch sang Đông Nam Á”, chuyên gia kinh tế của Maybank nhấn mạnh.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, ngay cả khi không có cuộc chiến thương mại thì dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã rục rịch rút khỏi Trung Quốc. Căng thẳng thương mại leo thang chỉ giúp đẩy nhanh hơn quá trình này. GS. TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết, vài năm gần đây, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đã dần dịch chuyển sang các nước lân cận như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Myanmar… trong đó Việt Nam có nhiều lợi thế hơn cả.
Ông Mại phân tích, có 3 nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI dần rút khỏi Trung Quốc và tìm đến các nước khu vực Đông Nam Á. Thứ nhất, Trung Quốc từng thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư ra nước ngoài trước đây, song hiện có sự thay đổi trong chính sách, bắt đầu bằng việc siết chặt lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài và ưu tiên DN trong nước. Thứ hai, chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng cao. Nếu như ở Việt Nam, chi phí trung bình DN nước ngoài chi trả khoảng 300-350 USD/lao động/tháng, thì tại Trung Quốc con số này cao gấp đôi. Do đó, DN sẽ lựa chọn nơi có chi phí thấp hơn để gia tăng lợi nhuận. Thứ ba, trong lúc Trung Quốc siết chặt đầu tư nước ngoài thì Việt Nam nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, không nên quá kỳ vọng vào việc dòng vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc sẽ chảy ồ ạt vào Việt Nam. Ông Thành cũng lưu ý rằng dòng vốn đầu tư đã bắt đầu rút ra khỏi Trung Quốc từ trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, do nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn tái cơ cấu, cùng với đó là các chính sách thắt chặt hơn của chính quyền. Mặt khác, ông Thành nhận định sự bất ổn từ căng thẳng giữa 2 quốc gia sẽ khiến thương mại giảm, đầu tư cũng giảm theo. Dòng tiền thay vì đầu tư sẽ tìm đến những tài sản trú ẩn như vàng. “Chính vì vậy, điều chúng ta chờ đợi là nguồn vốn ồ ạt chảy vào Việt Nam gần như khó có thể xảy ra”, ông nhận định.
Khó trông chờ vốn chất lượng cao
Trong xu thế chung, dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vẫn đang ngày một rõ nét hơn. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc tranh thủ cơ hội này để thu hút các dự án công nghiệp lớn, quy mô theo chuỗi vào Việt Nam là rất khó.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế phân tích, các dự án công nghệ cao không còn phụ thuộc vào lao động rẻ bởi các công đoạn được tự động hoá rất cao. Vì vậy các dự án có thể được đặt ở Đức, Mỹ… hay bất cứ quốc gia phát triển nào cũng được, chứ không nhất thiết phải là Việt Nam hay một quốc gia Đông Nam Á nào. Bằng chứng là Samsung đã cùng lúc xây dựng nhà máy 380 triệu USD ở Mỹ và 430 triệu USD ở Ấn Độ.
Ông Nghĩa cho biết thêm, các ngành công nghệ hiện đại thường có trình độ tự động hoá rất cao, có thể đặt ở bất cứ đâu và thường là họ lựa chọn đặt nhà máy ở chỗ nào gần khu vực tiêu thụ để giảm chi phí vận tải. Ngày xưa các nhà máy đặt ở Việt Nam có thể bù chi phí vận chuyển bằng lao động giá rẻ, còn giờ đây phần lớn sử dụng robot nên phải đặt ở địa điểm nào là nơi tiêu thụ chính của hãng sản xuất đó. Trong khi chúng ta cũng thấy, hơn 90% sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu chứ không phải tiêu thụ trong nước.
“Cần lưu ý thêm rằng, kể cả một số ngành công nghiệp như điện tử, ô tô mà hiện nay Việt Nam đang có thì rất có thể sẽ biến động lớn khi công nghiệp 4.0 mạnh lên, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, robot… Trong xu thế đó, các ngành này khó có thể ổn định lâu dài ở Việt Nam, nơi mà ngoài lao động rẻ ra thì không có ưu thế nổi trội, do chi phí logistic rất cao, các loại phí dịch vụ công, vận tải, vận chuyển cũng rất cao do đường sá xấu…”, ông Nghĩa quả quyết.
Theo chuyên gia này, dù khó có thể kỳ vọng vào dự án công nghệ cao, quy mô lớn, song trước mắt Việt Nam vẫn có thể thu hút các dự án công nghiệp nhẹ như công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, vì ở Việt Nam lương công nhân vẫn thấp hơn ở Trung Quốc, đồng thời mức áp đặt về thuế quan cũng không cao như ở Trung Quốc, đặc biệt là với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một xu hướng có tính ngắn hạn. “Nhỡ ra tương lai Mỹ và Trung Quốc bắt tay với nhau, và kiểu gì cũng bắt tay, ít nhất là về thương mại, thì lúc bấy giờ các nhà đầu tư chạy từ Trung Quốc vào Việt Nam bắt đầu khó khăn vì không biết bán hàng đi đâu. Cho nên lợi thế từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là có thật nhưng chỉ ở các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và chỉ ngắn hạn, cùng lắm là trung hạn, vài ba năm và như vậy cũng chưa đủ để một DN quyết định rời nhà máy”, ông Nghĩa khẳng định.
Mặc dù có quan điểm lạc quan hơn, song GS. Nguyễn Mại cũng lưu ý rằng Việt Nam không nên chủ quan, mà phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thay đổi phương thức vận động, cải cách thủ tục hành chính… để duy trì lợi thế. Bởi lẽ dù được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc đón dòng vốn FDI từ Trung Quốc, nhưng so sánh tương quan giữa 2 quốc gia cho thấy vốn rút khỏi Trung Quốc hiện nay mới chỉ là cơn sóng nhỏ.
Năm 2017, Trung Quốc thu hút hơn 100 tỷ USD từ nước ngoài, chiếm hơn 20% vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các nước đang phát triển; trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 17,5 tỷ USD. “Điều đó cho thấy thị trường 1,4 tỷ dân vẫn luôn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, bởi vậy chúng ta phải luôn nỗ lực gia tăng lợi thế để dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng cao”, ông Mại nhấn mạnh.