Áp lực giảm giá, gạo Việt Nam lận đận
Khó chen chân
Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Phó tổng giám đốc Công ty Gạo Việt, mặc dù đang vào vụ mua tạm trữ lúa gạo, song hoạt động xuất khẩu không mấy sôi động. Nguyên nhân là do vào chính vụ nên nguồn cung trong nước đang tăng mạnh, trong khi các nước xuất khẩu gạo của thế giới lại đang ồ ạt xả hàng, khiến giá gạo thế giới giảm mạnh.
Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu gạo thế giới hiện đang ngày càng có xu hướng chỉ mua đủ nhu cầu và không dự trữ gạo, nên càng khiến cho hoạt động xuất khẩu gạo tại những thị trường truyền thống giảm mạnh.
Trước bối cảnh đó, với ưu thế là DN có tới 45% gạo xuất khẩu là gạo thơm chất lượng cao, Gạo Việt đã tăng cường tìm kiếm thêm thị trường mới, song cũng không đơn giản. Theo ông Vân, hiện DN mới chỉ xuất được khoảng 5.000 tấn gạo thơm sang các thị trường như Hồng Kông, Singapore, việc mở rộng thị trường mới như châu Phi, gặp không ít khó khăn. Cũng bởi, các nhà nhập khẩu gạo thế giới thường “bắt mối” rất chặt với các thương buôn ở những thị trường này, nên rất khó để Gạo Việt cũng như các DN xuất khẩu gạo có thể “chen chân” vào được.
Đối với Công ty cổ phần Thuý Đạt, khối lượng xuất khẩu mỗi năm chỉ khoảng 40.000 – 50.000 tấn, tập trung chủ yếu ở thị trường truyền thống, nên việc mở rộng thêm thị trường luôn được DN này đặt ra. Song theo ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Thúy Đạt, dù đã thăm dò một số thị trường mới, nhưng vẫn không mấy khả quan.
Cũng bởi, đây là những thị trường mới có vị trí địa lý không mấy thuận lợi trong vận chuyển, phương thức thanh toán cũng chứa đựng nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn nên DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và ký thêm các hợp đồng mới.
Việc tìm kiếm thị trường mới để mở rộng thêm đầu ra cho hạt gạo là bài toán được nhiều DN tính đến, song những rào cản, thách thức trên đã khiến cho các DN xuất khẩu gạo Việt Nam gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, thị trường gạo thế giới thời gian qua đã liên tục giảm cả về khối lượng và trị giá, do giá bán và nhu cầu của người mua đều giảm.
Nguyên nhân chính là do các nước xuất khẩu gạo lớn thế giới đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường khiến cho giá giảm. Dẫn chứng, trong khi chỉ có Việt Nam giảm kim ngạch xuất khẩu, thì nhiều nước đều tăng lượng bán hàng như Thái Lan là 10%, Ấn Độ tăng trên 50% và Pakistan tăng 22%.
DN gặp khó khăn trong tiêu thụ gạo |
Không ồ ạt bán khi giá thấp
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo quý I/2015 đã giảm mạnh và đạt mức thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2009 đến nay. Cụ thể, tính đến ngày 23/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 536.571 tấn, trị giá FOB là 236,188 triệu USD, trị giá CIF là 241,334 triệu USD. Trong khi vào thời điểm này hàng năm, sản lượng xuất khẩu gạo thường đạt từ 1,2 đến 1,4 triệu tấn.
VFA cho rằng nguyên nhân chính là do lượng gạo từ các hợp đồng năm trước chuyển gối đầu sang quý I thấp, và tình hình xuất khẩu gạo thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Theo các DN, diễn biến không thuận lợi của thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục tác động đến việc tiêu thụ gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Hiện, thị trường Trung Quốc đang được các DN nhắm tới để khai thác thêm đầu ra, song vẫn không mấy khả quan do chính sách cấm biên của nước này.
Ông Nguyễn Thanh Vân cho rằng, giá gạo nhập khẩu qua đường chính ngạch lên tới 70 USD/tấn, song ở đường tiểu ngạch chỉ khoảng 30 USD/tấn, đã khiến cho các DN lớn gặp nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng chính ngạch, bởi các thương lái đều tìm mọi cách để xuất gạo qua đường tiểu ngạch.
Theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nông nghiệp, trước diễn biến của thị trường xuất khẩu gạo khiến DN gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ, nhiều DN đã đẩy mạnh xuất qua đường tiểu ngạch. Song đây là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, bởi xuất qua tiểu ngạch là hợp lệ với Việt Nam nhưng lại là chính sách mà Trung Quốc đang cấm.
Chưa kể, hiện thương lái nước này đang dùng “chiêu” neo giá cao, song vẫn chưa mua vào nhiều mà đợi thu hoạch xong vụ, cung tăng, giá giảm sâu hơn nữa mới mua vào. Do đó, ông Bích cho rằng người trồng lúa và DN cần rất thận trọng, không nên ồ ạt bán khi giá quá thấp sẽ bị thiệt, bởi nếu giá tăng trở lại thì sẽ không còn lúa để bán.
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT công ty Thúy Đạt cho rằng về lâu dài bên cạnh chính sách tập trung để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất để ứng dụng vào cánh đồng mẫu lớn.
Các địa phương cũng cần kết hợp chỉ đạo và kết hợp DN nghiên cứu ra giống lúa phù hợp với từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho hạt gạo để tiến tới xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam.