Áp lực lên lãi suất không lớn
Tín dụng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế | |
Có điều kiện để giảm lãi suất cho vay | |
Tín hiệu tích cực cho thị trường tiền tệ |
Gánh nặng tỷ giá vẫn còn
Trong hai tuần vừa rồi, thị trường ngoại hối có sự biến động với tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng. Những tác động từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump đã khiến đồng bạc xanh tăng giá. Theo đà tăng của thế giới, mức tăng của tỷ giá trung tâm NHNN công bố, các NHTM trong nước cũng đã điều chỉnh tăng USD khoảng 425 đồng ở chiều bán ra và tăng 400 đồng mua vào; tương ứng với mức tăng 1,9%.
Mục tiêu của Chính phủ và NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh |
Xu hướng chung của thị trường là tăng nhưng với sự điều hành linh hoạt của NHNN, thị trường trong nước không có biến động mạnh về cung cầu. NHNN đã sớm khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp, kể cả bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường. Động thái này đã khiến thị trường bớt “sốt”, tỷ giá hạ dần sau nhiều ngày tăng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 28/11, và hôm qua 29/11, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm đôi chút so với đà tăng trước đó. Sáng 29/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 11 đồng xuống 22.121 đồng/USD. Giá bán USD tại các NH phổ biến quanh mức 22.750 đồng/USD, mua vào từ 22.650 - 22.670 đồng/USD.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc can thiệp và trấn an dư luận của NHNN rất kịp thời, và thực tế thị trường đã ổn định hơn về tâm lý. Cũng có ý kiến cho rằng mức độ điều chỉnh tỷ giá trung tâm vừa qua còn chậm so với diễn biến tăng mạnh của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Không đồng tình với nhận định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu thấy rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá, việc thận trọng của NHNN là cần thiết để tránh những đột biến có thể xảy ra, gây ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng, NHNN giữ được ổn định sẽ tạo lòng tin của người dân và DN vào tiền đồng. Song nhà điều hành vẫn phải linh hoạt hơn nữa. Nền kinh tế của Việt Nam dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, vẫn còn những yếu tố cần cẩn trọng: lạm phát vượt 4%, tăng trưởng kinh tế dưới mức kỳ vọng, lãi suất cao...
Về lý thuyết, trong khi đồng Nhân dân tệ (CNY) phá giá mạnh, một số nước khu vực ASEAN cũng giảm giá tiền tệ của mình... thì việc neo cứng với USD có thể dẫn tới bất lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các nước ASEAN. Muốn hỗ trợ xuất khẩu thì điều chỉnh tỷ giá là cần thiết, tuy nhiên với điều kiện hiện tại, quan trọng là ở mức nào mới là việc cần tính toán.
Trước mắt, áp lực tỷ giá vẫn còn. Các chuyên gia dự báo việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhiều khả năng rơi vào giữa tháng 12, với mức tăng khoảng 0,25% - tương đương lần điều chỉnh tháng 12/2015. Trường hợp tăng 0,5% lãi suất khả năng chỉ rơi vào 30%.
Ảnh hưởng lãi suất thế nào?
Trên thế giới, những tưởng USD sẽ giảm dài hạn sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhưng cho tới thời điểm này, những gì đã, đang diễn ra cho thấy hoàn toàn ngược lại. Thị trường chứng khoán các nước có những biến động khó lường nhưng nhìn chung mức độ tin tưởng vào chính sách cải tổ của tân Tổng thống Mỹ sẽ có tác động tích cực đến thị trường toàn cầu.
Trong nước, trường hợp USD tiếp tục tăng giá, hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, hay dịch chuyển dòng tiền... cũng rất có thể sẽ diễn ra. Thực tế, chúng ta đã ổn định đồng VND trong một thời gian khá dài. Vì thế, một bộ phận vẫn có tâm lý đầu cơ tự cho rằng dưới áp lực biến động của thị trường thế giới, NHNN sắp phải điều chỉnh tỷ giá. “Người nọ đồn người kia, họ sẽ rút tiền đồng để mua đô la. Điều này sẽ tác động tới lãi suất VND” – một chuyên gia cho biết.
Một điểm nữa cũng cần xét tới, là khả năng thanh khoản của hệ thống NH những tháng cuối năm. Thông thường, cuối năm nhu cầu tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng sẽ khiến một số ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NHNN hút ròng qua kênh tín phiếu nên tình trạng dư thừa thanh khoản trong ngân hàng giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cuối năm vẫn ở mức rất cao… là những yếu tố áp lực lên mặt bằng lãi suất VND.
Trước những “rung lắc” của thị trường tài chính toàn cầu, NHNN vẫn cho thấy khả năng kiểm soát của mình với những điều chỉnh chính sách linh hoạt. Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ, sát sao để kịp thời có những giải pháp ổn định thị trường tiền tệ, ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ trước những đột biến có thể xảy ra.
Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Hiện phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm ở kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn phổ biến ở mức 6,8-9%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trao đổi với phóng viên, CEO một NHTMCP cho rằng, rất khó để đoán định những biến động về tỷ giá thời gian tới. Nhưng mặt bằng lãi suất sẽ thiên về ổn định nhiều hơn, nếu có sự dịch chuyển cũng sẽ chỉ dao động nhẹ. Điều này là phù hợp với mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp của Chính phủ và NHNN trong hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ cho DN, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
“Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các cá nhân, tổ chức đều được các TCTD đáp ứng kịp thời, đầy đủ. NHNN theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trong nước và quốc tế. Từ đó chủ động đưa ra giải pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường. NHNN cũng sẵn sàng bán ngoại tệ ra để ổn định thị trường”. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng |