Áp thuế tự vệ: Công cụ bảo vệ không phải để ỷ lại
Áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép nhập khẩu | |
Thời hạn nộp thuế tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp |
Ảnh minh họa |
Bài học thực tế
Theo Bộ này, một trong những cơ sở để áp dụng biện pháp tự vệ là do khối lượng phôi thép và thép dài được nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn điều tra. Điều đó dẫn đến ngành sản xuất trong nước đã chịu thiệt hại nghiêm trọng như giảm thị phần, công suất, doanh thu, lợi nhuận, nhân công và tăng tồn kho trong thời gian qua. Như vậy, việc gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Thép Việt cho biết, trong giai đoạn từ 2013 - 2015, lượng thép nhập khẩu, trong đó có số lượng lớn thép nhập nguồn gốc từ Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều DN sản xuất trong nước.
Không chỉ cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, nhiều sản phẩm thép nhập lậu còn “nhập nhằng” nhãn mác, chủng loại và chất lượng sản phẩm. Điều này khiến cho mặt hàng thép sản xuất trong nước bị tồn kho, không tiêu thụ được, một số nhà máy lâm vào tình trạng sản xuất cầm chừng 60 - 70% công suất để duy trì sự tồn tại.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế phân tích, việc áp dụng các loại thuế trong phòng vệ thương mại có tác động tức thời nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, tuy nhiên cũng cần hết sức lưu ý việc áp dụng đại trà đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường.
Bởi vì nếu không được cân nhắc kỹ càng, sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cũng như ở khía cạnh nào đó lại không khuyến khích được sản xuất trong nước, và có thể triệt tiêu khả năng cạnh tranh lành mạnh của DN trong quá trình hội nhập.
Cụ thể, ngay đối với việc Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Dù trước mắt lượng hàng hóa loại này đã bị hàng rào thuế quan “cản trở” nhập khẩu vào Việt Nam tương đối, nhưng đồng thời, cũng gây những xáo trộn đáng kể cho thị trường thép trong nước, dẫn đến tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao.
Giá thép trên thị trường thời điểm đó đã tăng 1 - 2 triệu đồng/tấn trong khi lượng thép trong nước thực sự vẫn đang dư thừa. Như vậy, quyết định áp thuế tự vệ vô hình trung đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm xáo trộn thị trường thép, khiến giá thành sản xuất, xây dựng tăng lên.
Đừng vì lợi ích trước mắt
Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, trong khi công nghệ, nền sản xuất của Việt Nam chưa ngang bằng với thế giới, khiến giá thành nhiều loại hàng hóa, sản phẩm trong nước đắt hơn mặt bằng giá trong khu vực và thế giới, thì việc xây dựng hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước cần được cân nhắc hết sức kỹ càng. Khi áp dụng thuế phòng vệ, ngoài việc quan tâm bài toán vĩ mô, bảo vệ thị trường trong nước, thì cũng cần cân đối, đặt mục tiêu lớn nhất là bảo vệ người tiêu dùng lên hàng đầu.
Câu chuyện của ngành thép chưa bao giờ là một ngoại lệ, nếu DN chỉ trông thấy lợi ích trước mắt mà quên đi phát triển bền vững lâu dài, cũng như trông chờ ỷ lại vào sự bao bọc từ Chính phủ thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải. Đáng ra, thay vì nỗ lực vận động, vươn lên thì một số ít DN lại có tư tưởng trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, thậm chí nhân cơ hội trục lợi, kiếm tiền không chính đáng.
Thực tế cũng cho thấy rằng, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các DN của Việt Nam không chỉ yếu về tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, kinh nghiệm thương trường, mà còn thua kém so với đối thủ cạnh tranh, tập đoàn của nước ngoài nên luôn mong chờ sự bao bọc.
Nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc tự do giao thương nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước là tất yếu, nếu lúc nào cũng trông chờ vào việc bảo vệ, chống lại quá trình cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài, thì các DN khó có thể tự lớn lên được.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, việp áp dụng các biện pháp phòng vệ hiện nay là vô cùng cần thiết, nhưng để tránh lạm dụng, cần tuân theo những quy trình điều tra nghiêm ngặt, đảm bảo duy trì những nguyên tắc quốc tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã khởi xướng nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thông qua các biện pháp áp thuế phòng vệ. Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành.