APEC 2017: Đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu Bô-go
Ngày thứ 3 Hội nghị SOM 2 và các hoạt động liên quan | |
APEC Việt Nam 2017: Cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp Việt Nam |
Định hướng cho hợp tác đến 2020
Mục tiêu Bô-go của APEC được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức hợp tác kinh tế đi đầu của khu vực, APEC. Trở lại năm 1994, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã nhóm họp tại Bô-go, Indonesia, thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển, và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển.
Đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu Bô-go là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC năm nay |
Mục tiêu đó thường được biết đến là “mục tiêu Bô-go”, trở thành định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020, theo đó sẽ đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới. Mục tiêu Bô-go đã truyền cảm hứng cho các thành viên APEC kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế thông qua mở cửa thương mại và tạo thuận lợi cho các dòng đầu tư trong khu vực.
Trong hành trình theo đuổi mục tiêu Bô-go suốt hơn hai thập kỷ qua, APEC đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về tự do hoá thương mại và đầu tư, thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Theo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện mục tiêu Bô-go” được APEC công bố năm 2016, mức độ tự do hoá thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường hiện nay của APEC đã vượt xa rất nhiều so với thời điểm khi mục tiêu Bô-go được đưa ra.
Cụ thể về mở cửa thị trường, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thương mại hàng hoá giai đoạn 1994-2014 là 7,8% và đã đạt tới 18,4 nghìn tỷ USD năm 2014. Thương mại nội khối đã tăng gấp bốn lần trong giai đoạn này. Thuế quan MFN trung bình trong khu vực APEC giảm đến một nửa từ 11% vào năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2014. Số lượng dòng hàng hưởng thuế suất 0% trong APEC cũng tăng mạnh, từ 27,3% vào năm 1996 lên mức 45,4% năm 2014.
APEC cũng đạt được thành tích nổi bật về thuận lợi hoá thương mại với số ngày thông quan hàng hóa đã giảm xuống một cách rõ rệt. Lĩnh vực logistics được cải thiện nhờ cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Mức độ mở cửa cao về thương mại và đầu tư, cũng như chú trọng tạo thuận lợi cho thương mại đã đưa APEC trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới.
Bên cạnh đó, mức độ tự do hoá sâu rộng của APEC còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại khu vực (RTA). Nói cách khác, APEC chính là chất xúc tác cho ra đời rất nhiều hiệp định thương mại. Trong khoảng thời gian giữa năm 1996 và 2015, số lượng các FTA/RTA đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên 152, với 61 hiệp định được ký kết giữa các thành viên APEC.
Ngoài ra, có thể xem APEC là vườn ươm cho những sáng kiến, những ý tưởng về hội nhập gắn với phát triển. APEC là nơi để các nền kinh tế thành viên thử nghiệm, thúc đẩy những ý tưởng về tự do hoá, thậm chí cả những nội dung gai góc, gặp nhiều trở ngại tại các khuôn khổ đa phương.
Thêm vào đó, mặc dù là một diễn đàn kinh tế, song trong khuôn khổ APEC, việc các lãnh đạo, quan chức trong khu vực đối thoại ở diễn đàn góp phần vào việc đảm bảo ổn định an ninh chính trị của khu vực, hướng tới mục tiêu vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Những thách thức phía trước
Mặc dù vậy, các thành viên APEC đang đứng trước những thách thức không nhỏ để hoàn thành mục tiêu Bô-go đúng hạn trong vòng 3 năm tới, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay đã khác xa so với thời điểm mục tiêu Bô-go được đưa ra. Kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến thương mại khu vực tăng trưởng chậm lại.
Những kết quả tích cực về xoá bỏ hàng rào thuế quan nay bị ảnh hưởng bởi làn sóng bảo hộ gia tăng và áp dụng các biện pháp phi thuế quan, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức độ tự do hoá giữa các thành viên cũng như giữa các ngành còn chênh lệch.
Tăng trưởng kinh tế của APEC đứng đầu thế giới cùng với mức sống tăng lên, tỷ lệ nghèo đói giảm xuống nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, ở mức 4,8% năm 2014 khiến xu thế phản đối toàn cầu hoá và hoài nghi những lợi ích của tự do thương mại đang trỗi dậy.
Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục đưa việc “đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu Bô-go” là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC năm nay.
Việt Nam đang tích cực cùng các thành viên triển khai những sáng kiến nhằm giải quyết những rào cản tồn tại được nêu ra trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện mục tiêu Bô-go, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Bô-go vào năm 2020.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng để APEC xây dựng và định hình tương lai hợp tác sau năm 2020, tập trung vào những mục tiêu rộng hơn tự do hoá thương mại và đầu tư, để ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức mà bối cảnh mới đã và đang đặt ra, như tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo, thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, để APEC có thể kiên định mục tiêu Bô-go cần ý chí chính trị vững vàng của các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia thành viên cũng như niềm tin, sự đồng thuận giữa các nhóm trong xã hội như doanh nghiệp, người lao động, người dân… về những lợi ích của tự do thương mại, mà quan trọng nhất là động lực của tăng trưởng và ổn định đã phần nào được chứng thực trong hơn hai thập kỷ qua.