Băn khoăn đóng BHXH cho người nước ngoài
Đề xuất tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2018 | |
Gia tăng vấn nạn trục lợi bảo hiểm |
Đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai – Ichi Việt Nam (Dai – Ichi Việt Nam) đã nêu những thắc mắc tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền thành phố về chính sách lao động, việc làm diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, xung quanh Nghị định 143/2018/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Đó là các vấn đề như, chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại công ty Việt Nam, được biệt phái từ công ty mẹ sang hiện đang được miễn giấy phép lao động có thuộc đối tượng đóng BHXH không? Còn trong trường hợp tương tự, song chuyên gia đó lại làm việc tại một công ty con của công ty tại Việt Nam (công ty con của công ty con) thì có được miễn đóng BHXH hay không?…
Đối với vấn đề này, BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định của Luật BHXH, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Nếu người nước ngoài di chuyển trong nội bộ DN là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của DN nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ DN sang nơi làm việc khác đã được tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng, thì thuộc đối tượng tham gia BHXH không bắt buộc. Cũng như vậy, theo quy định, chuyên gia được biệt phái từ công ty mẹ sang nhưng làm việc tại công ty con tại Việt Nam hiện không được miễn giấy phép lao động cũng không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Liên quan đến vấn đề đóng BHXH cho chuyên gia, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cũng có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc được đặt ra. Trong đó có rất nhiều trường hợp người nước ngoài nêu ý kiến không muốn tham gia đóng BHXH tại Việt Nam dù đang trong quá trình làm việc trên lãnh thổ Việt Nam bởi họ đã tham gia BHXH đầy đủ, cũng như thực hiện các nghĩa vụ và được hưởng các quyền lợi từ BHXH ở nước họ. Thậm chí, nhiều trường hợp nêu thẳng quan điểm không muốn ảnh hướng đến thu nhập hàng tháng bởi phải trích khoản tiền đóng BHXH...
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, Luật BHXH quy định người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc. Quy định này có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2018. Còn theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT.
Như vậy, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên theo đúng quy định pháp luật thì thuộc đối tượng tham gia BHYT, mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động.
Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện việc đóng BHXH cho lao động là người nước ngoài. Việc đóng BHXH cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi có nghị định hướng dẫn, nên hiện cơ quan BHXH chưa thực hiện thu BHXH cho đối tượng này.
Theo báo cáo về tình hình người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, chỉ trong vòng hơn 10 năm số lao động người nước ngoài ở Việt Nam tăng từ hơn 12.600 người năm 2004 lên đến hơn 83.500 người năm 2015 và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong đó, lao động thuộc diện được cấp phép chiếm tới hơn 93% số lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có đông lao động người nước ngoài làm việc nhất với hơn 20.300 người, chiếm tới 24,3%, Bình Dương với hơn 12.000 người (chiếm 14,4%), Hà Nội 6.386 người (chiếm 7,6%), Đồng Nai 6.205 người (7,4%)… Lao động người nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc (hơn 15.300 người), Đài Loan (hơn 10.700), Nhật Bản (hơn 7.900 người)…
Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, xu hướng chuyển dịch lao động giữa các quốc gia là vấn đề thực tế, song điều quan trọng nhất là các lao động nước ngoài khi sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như lao động Việt Nam tại nước ngoài, quan trọng nhất là cần tôn trọng, tuân thủ theo quy định của nước sở tại.