Gia tăng vấn nạn trục lợi bảo hiểm
Khi người lao động “nghỉ hưu non” | |
Thách thức với bảo hiểm y tế |
Thủ đoạn tinh vi
Thời gian gần đây, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đang tăng dần qua các năm. Tính đến năm 2016, số người tham gia BHXH, BHYT trong cả nước khoảng 76 triệu người. Hàng năm, số tiền chi trả cho các đối tượng tham gia BHXH, BHYT lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng... Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở một số đối tượng cũng đang ra sức trục lợi bảo hiểm, chiếm đoạt số tiền không nhỏ.
Khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào miền núi ở Quảng Nam |
Báo cáo tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát vừa tổ chức tại Thừa Thiên - Huế cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Theo đó, đến nay BHXH các địa phương đã phối hợp với lực lượng công an, cơ quan liên quan thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị. Qua đó, phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn. Cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động; Thực hiện việc khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576.073 triệu đồng; Yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH; Thu hồi, xuất toán 48.861 triệu đồng do lạm dụng các chi phí khám, chữa bệnh BHYT...
Ngoài ra, BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 459 tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi do xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 206 triệu đồng.
Trên thực tế, thời gian qua các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT đang diễn biến hết sức phức tạp. Ông Nguyễn Văn Tiết, Phó giám đốc BHXH TP. Đà Nẵng cho biết, hiện các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Nhiều nơi, cố tình chây ì, dây dưa không chịu đóng các khoản phí bảo hiểm cho người lao động. Đặc biệt, có tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH.
Theo quy định, khi người lao động nghỉ việc, DN phải có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả cho người lao động. Nếu sau 12 tháng, người lao động không đến nhận sổ BHXH thì DN trả cho cơ quan BHXH lưu giữ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng thực tế, có DN không chốt và trả sổ BHXH. Người lao động ít khi nhận sổ BHXH sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa.
Thậm chí, tiếp tay cho các đối tượng nhiều người còn công khai rao mua, bán sổ BHXH, với số tiền chỉ bằng một nửa so với số thực nhận, thiệt thòi cho người lao động, gây khó cho cơ quan chức năng khi ngăn chặn tình trạng lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền BHXH...
Kẽ hở từ chính sách
Theo nhiều người, nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT do có những sơ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật, liên quan đến chính sách bảo hiểm. Bên cạnh, các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn thấp, không có tính răn đe. Điều này, dẫn đến việc các đối tượng vi phạm “nhờn thuốc”, sẵn sàng vi phạm để chiếm đoạt số tiền không nhỏ.
Ngoài ra, thêm một nguyên nhân chủ quan nữa do nghiệp vụ, công tác giám định chuyên môn về bảo hiểm còn yếu và thiếu. Đặc biệt, ở một số địa phương còn chưa quan tâm, chú trọng trong chỉ đạo phối hợp thanh tra, kiểm tra về công tác chi trả BHXH, BHYT...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, từ tháng 5/2012 BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.
Đến nay, các bên đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến quy định về bảo hiểm; Hoàn thiện các quy định, chế tài xử phạt; Thường xuyên cung cấp, trao đổi kịp thời các thông tin liên quan đến hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Ở các địa phương, cơ quan BHXH cũng đã xây dựng chương trình, nội dung phối hợp với lực lượng công an để đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT...
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của các hành vi trục lợi chính sách bảo hiểm, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và lực lượng cảnh sát kinh tế, thường xuyên liên tục đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm với các nội dung phối hợp cụ thể.
Đồng thời, tăng cường tính chủ động của lực lượng cảnh sát nói chung và cảnh sát kinh tế nói riêng, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về BHXH, BHYT; Kịp thời tổng kết, nhận diện những phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm qua đó có biện pháp đấu tranh có hiệu quả; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả phòng ngừa vấn nạn này.