Báo động về nợ bảo hiểm xã hội
Nợ bảo hiểm, ra toà cũng không xong | |
Chấn chỉnh nợ bảo hiểm xã hội |
Nợ rồi... bỏ trốn
Gần đây, dư luận tại TP. Đà Nẵng bức xúc trước vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH MTV TBO Vina ở KCN Hòa Khánh, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm người lao động. Đây cũng là trường hợp điển hình của tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang diễn ra khá phức tạp ở địa phương.
Tình hình nợ BHXH diễn ra khá phức tạp ở KCN Hòa Khánh |
Theo đó, Công ty TNHH MTV TBO Vina là doanh nghiệp có 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động tại KCN Hòa Khánh, nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu. Người lao động của công ty đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi cả chủ đầu tư lẫn giám đốc điều hành của công ty này bỏ về nước, để lại các khoản nợ lương, BHXH lên đến hơn 15 tỷ đồng.
Bức xúc trước sự việc, hàng trăm công nhân đã tập trung trước cổng Công ty TNHH MTV TBO Vina để đòi lương, hỏi sổ BHXH, tiền thai sản... Sự việc này đã đẩy 500 công nhân của công ty vào hoàn cảnh khó khăn, khi không có việc làm, không được giải quyết chế độ BHXH, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ở TP. Đà Nẵng diễn ra khá phức tạp trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trên địa bàn quận Liên Chiểu với 2 KCN lớn là Hòa Khánh và Liên Chiểu, nơi có nhiều công ty, doanh nghiệp đang hoạt động với một số lượng lớn công nhân. Nguyên nhân chủ yếu do các chủ doanh nghiệp, vì lý do tài chính nên chưa chấp hành đăng ký tham gia và nộp BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số công ty tuy đã đăng ký đóng bảo hiểm, nhưng vẫn cố tình dây dưa, chây ì nợ tiền đóng bảo hiểm. Thậm chí, có trường hợp đã trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH, song lại chiếm dụng, không nộp về cơ quan chức năng...
Theo số liệu của các cơ quan chức năng ở địa phương, tính đến hết tháng 10/2018 tổng số đơn vị nợ bảo hiểm kéo dài từ 3 tháng trở lên tại TP. Đà Nẵng là 1.432 đơn vị; Số tiền nợ là hơn 180 tỷ đồng, ảnh hưởng đến hơn 10.000 người lao động. Riêng khoản nợ khó thu, với những đơn vị nợ không có khả năng thu hồi là 974 đơn vị với số tiền 82,12 tỷ đồng.
Bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng cho biết, tình trạng nợ tiền bảo hiểm tại địa phương này đang khá “nóng”. Nhiều chủ sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật BHXH, né tránh, không đóng BHXH cho người lao động hoặc tham gia ở mức độ cầm chừng, mang tính đối phó, để nợ BHXH kéo dài và ngày càng gia tăng ở địa phương trong thời gian qua.
Xử lý hình sự
Trên thực tế, với việc doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT và BHTN không chỉ gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn gây tác động đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ, an sinh xã hội, gây mất trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, dư luận luôn mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình chây ì trong việc đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động.
Đối với những trường hợp như ở Công ty TNHH MTV TBO Vina, các cơ quan chức năng cần sớm có quy định về xử lý tài sản của doanh nghiệp nợ BHXH có chủ bỏ trốn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện giao dịch điện tử về BHXH để ngăn chặn những hành vi trục lợi, gian lận về BHXH; Yêu cầu doanh nghiệp công khai tình hình trích nộp theo quy định về BHXH, BHYT.
Và để có sức răn đe hơn, cũng rất cần ngành công an khẩn trương vào cuộc đối với những trường hợp nợ BHXH nổi cộm, gây bức xúc dư luận. Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, cần đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đối với những doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên. Đối với những trường hợp này cần chủ động báo qua công an để quản lý xuất cảnh (cả người nước ngoài và người Việt Nam). Đối với doang nghiệp nợ 6 tháng trở lên, hoặc số tiền nợ quá lớn cũng cần nhanh chóng gửi hồ sơ qua cơ quan công an để sớm điều tra, xử lý.
Cùng với đó, cũng theo ông Triết, khi thu hút đầu tư và cấp phép đầu tư, chính quyền địa phương cũng cần quy định ký quỹ dự phòng rủi ro để khi doanh nghiệp mất khả năng tài chính hoặc bỏ trốn thì dùng tiền trên để trả nợ lương, BHXH cho công nhân, bảo đảm quyền lợi cho họ...
Trước tình trạng báo động về nợ BHXH, mới đây UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản về việc tăng cường thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ, đối với các đơn vị chây ì, nợ đọng, trốn đóng BHXH, UBND thành phố đề nghị BHXH TP. Đà Nẵng phải có giải pháp xử lý mạnh; Trường hợp đủ cơ sở pháp lý, lập hồ sơ chuyển cho cơ quan công an để điều tra xử lý theo quy định pháp luật. UBND thành phố cũng đề nghị cơ quan công an phối hợp, tiếp nhận hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển đến, khẩn trương xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, BHXH thành phố, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng theo dõi, nắm tình hình và có giải pháp xử lý đối với các doanh nghiệp, đơn vị nợ lương, nợ đọng BHXH, đặc biệt các doanh nghiệp, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tránh tình trạng chủ sử dụng lao động bỏ trốn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.