Nợ bảo hiểm, ra toà cũng không xong
Chấn chỉnh nợ bảo hiểm xã hội | |
Chật vật xử lý DN chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội | |
“Nóng” vấn đề nợ bảo hiểm xã hội |
Nhiều DN… “chúa chổm”
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Đà Nẵng, tính đến tháng 5/2016, số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các DN trên địa bàn lên đến hơn 239 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH 192 tỷ đồng, nợ BHYT hơn 32,5 tỷ đồng, nợ BHTN cũng khoảng 14,4 tỷ đồng. Hiện, có 1.517 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 163 tỷ đồng…
Quyền lợi người lao động được đảm bảo khi DN nộp đầy đủ các khoản bảo hiểm |
Có thể kể ra nhiều DN “chúa chổm” về các khoản nợ bảo hiểm trên địa bàn thành phố như: CTCP Cơ khí, Lắp máy Sông Đà - chi nhánh 5 nợ hơn 4,6 tỷ đồng, CTCP Dây Cáp điện Tân Cường Thành nợ khoảng 3,3 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Con Đường Xanh nợ 8,4 tỷ đồng, Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng nợ hơn 6,7 tỷ đồng hay chi nhánh Trung tâm Điện thoại di động C.D.M.A tại TP. Đà Nẵng cũng nợ hơn 4 tỷ đồng tiền bảo hiểm các loại…
Ông Nguyễn Văn Tiết, Phó giám đốc BHXH TP. Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng chậm nộp, hoặc nợ BHXH, BHYT hay BHTN gia tăng… là do một số DN thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cũng có không ít DN có chủ đích trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài thời gian với mục đích chiếm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm.
Trước tình trạng DN cố tình chây ì không nộp các khoản bảo hiểm, cơ quan BHXH TP. Đà Nẵng đã và đang tích cực phối hợp với ban, ngành có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra tình hình nợ đọng tại nhiều DN. Từ đó, lên phương án xử lý từng DN cụ thể. Song, trên thực tế việc xử lý tình trạng DN cố tình “nhờn thuốc”, khi trốn đóng các khoản bảo hiểm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù, cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp, chế tài thậm chí khởi kiện DN ra tòa. Song, vẫn có nhiều DN chây ì gây khó cho cơ quan BHXH, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của những người lao động đã đóng bảo hiểm.
Đặc biệt, ngoài những DN cố tình “nhờn thuốc”, không đóng bảo hiểm còn có DN bỗng nhiên… mất tích, lặng lẽ giải thể hoặc ngừng kinh doanh… càng khiến việc thu nợ BHXH thêm phần khó khăn.
Người lao động thiệt thòi?
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiết, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN không phải là vấn đề mới ở TP. Đà Nẵng hay nhiều địa phương khác. Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn thiếu một cơ chế xử phạt mạnh tay để xử lý.
Tình trạng này càng phức tạp, quyền lợi chính đáng của nhiều người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đáng nói, nhiều người lao động lại không hề hay biết việc DN nơi mình làm việc đang trốn tránh các nghĩa vụ bảo hiểm. Bởi, hàng tháng họ vẫn đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN cho chủ DN. Song, họ hoàn toàn không hay biết các khoản đóng góp đó không được DN chuyển về cơ quan bảo hiểm, mà sử dụng vào những mục đích khác.
Chỉ đến khi xảy ra sự cố, DN giải thể, ngừng hoạt động… người lao động đòi chốt sổ bảo hiểm thì mới té ngửa ra là DN chưa nộp các khoản bảo hiểm cho mình. Ngoài ra, do nhận thức của một số người lao động vẫn chưa cao, nên khi xảy ra sự việc, không ít người cứ đến cơ quan BHXH để đòi quyền lợi.
Trong khi, trách nhiệm chính thuộc về các DN trực tiếp sử dụng người lao động… Điều này, ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, chi của cơ quan BHXH, đặc biệt là các chế độ ngắn hạn như thai sản, ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, chốt sổ bảo hiểm… những quyền lợi chính đáng của người lao động.
Thực tế, trên địa bàn TP. Đà Nẵng việc người lao động gõ cửa cơ quan chức năng để đòi sổ BHXH không phải là chuyện hiếm. Mới đây, hàng chục công nhân của CTCP Thủy sản Nhật Hoàng, có trụ sở tại Khu dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang, đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng.
Bởi, sau hơn 2 năm mỏi mòn chờ đợi, nhưng DN vẫn không giải quyết chế độ cho nghỉ việc đối với họ. Đặc biệt, do DN thiếu trách nhiệm, nên nhiều công nhân không chốt được sổ BHXH, cũng như tiếp tục việc đóng BHXH ở nơi làm việc mới.
Bà Trần Thị Mai, công nhân của công ty cho biết, hàng tháng chị em công nhân đều đóng BHXH, BHYT đầy đủ. Đến tháng 3/2014, tình hình sản xuất kinh doanh của DN gặp khó, không có việc làm… nên nhiều người lao động đã viết đơn xin thôi việc. Tuy nhiên, DN lại không trả sổ BHXH và giải quyết các chế độ cho nghỉ việc đối với người lao động.
Để đòi quyền lợi cho mình, một số công nhân lên BHXH quận Sơn Trà để thanh toán các chế độ liên quan và nhận sổ BHXH, thì mới hay CTCP Thủy sản Nhật Hoàng mới đóng BHXH của từng người đến tháng 9/2012. Đồng nghĩa với việc, từ tháng 9/2012 cho đến tháng 3/2014, DN này đã không đóng BHXH cho người lao động đã phải trích lương hằng tháng để nộp.
Có thể nói, tình trạng DN cố tình chây ì không đóng các khoản bảo hiểm đã và đang gây khó cho cơ quan chức năng, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Dư luận đang kỳ vọng, Nghị định số 21/2016NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH có hiệu lực từ 1/6/2016… với những biện pháp “mạnh tay” hơn sẽ góp phần hạn chế tình trạng các DN cố tình trốn tránh các khoản bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.