Chấn chỉnh nợ bảo hiểm xã hội
Ảnh minh họa |
Đó là sau khi vụ sập giàn giáo tại công trường xây dựng ở một khu công nghiệp ở Hà Tĩnh vừa qua, sau sự việc này “phát sinh” câu chuyện về BHXH. Sau khi tai nạn thảm khốc, nơi cung cấp nguồn công nhân bị thương vong trong tai nạn sập giàn giáo ở Hà Tĩnh mới đến cơ quan BHXH để đăng ký hồ sơ bảo hiểm cho 771 người lao động.
Tuy nhiên, căn cứ vào danh sách nạn nhân được công bố trên các phương tiện thông tin tại chúng, đại diện BHXH ở địa phương cho biết, 13 công nhân tử vong và 28 công nhân bị thương không có trong danh sách 149 lao động đang đóng BHXH trước đó.
Như vậy, theo quy định, các nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh không thể nhận BHXH, bởi bảo hiểm chỉ có tác dụng khi tai nạn xảy ra sau thời điểm đăng ký.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có buổi sơ kết chương trình giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình DN năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015.
Tại đây, đại diện Tổng liên đoàn cho biết, chương trình giám sát thực hiện trên 12 DN với tổng số gần 18 nghìn lao động ở 4 tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Đoàn giám sát đã phát hiện cả 4 tỉnh đều có DN nợ BHXH.
Số nợ này so với quy mô DN và số lao động trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Đến tháng 9/2014, tổng số nợ BHXH tại 4 tỉnh gần 521 tỷ đồng. Tại thời điểm đoàn thực hiện giám sát, chỉ có hơn 15 nghìn trong tổng số 18 nghìn lao động được cấp sổ BHXH.
Cũng theo cơ quan chức năng, tình trạng nợ BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương. Nguyên nhân của tình trạng nợ chủ yếu là do hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, công tác thanh tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sử dụng lao động còn bất cập.
Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH ở một số địa phương còn hạn chế. Song ít ai biết, nếu để số nợ BHXH trong thời gian dài mà không có biện pháp xử lý sẽ làm rất nhiều người lao động bị mất hoặc không được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động, từ Tổng liên đoàn Lao động cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung tội danh trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Ngoài ra, Tổng liên đoàn cũng kiến nghị Chính phủ có biện pháp xử lý nợ BHXH ở các DN không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam.