Bao giờ nghề nông bớt khổ
Nông dân trăm nỗi xót xa | |
Bao giờ mới hết “giải cứu”? |
Điệp khúc buồn
Dưa hấu để hỏng trên ruộng không có người thu mua, chuối từ 15.000 đồng/kg giảm xuống còn 500 đồng/kg và cuối cùng trở thành thức ăn cho dê, cho gà… Cà chua chín đỏ gốc nhưng không ai hái, su hào vứt trên ruộng và những chiếc bắp cải còn tươi vẫn bị cuốc bỏ để chuẩn bị cho vụ mùa mới là thực tế đã diễn ra trên các ruộng rau ở nhiều địa phương tại thời điểm đầu năm 2017. Và đối với người nông dân, thì vụ mùa như vậy coi như mất trắng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng được mùa mất giá như hiện nay là do cung vượt cầu, vỡ quy hoạch |
Đặc biệt, câu chuyện “giải cứu thịt lợn” trong thời gian gần đây là chủ để nóng của giới truyền thông, của người chăn nuôi, người tiêu dùng trên bữa cơm mỗi gia đình. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến giá lợn giảm mạnh:
Thứ nhất là do nguồn cung lớn hơn cầu, bởi những năm qua mâm cơm của người Việt không còn thành phần chính là thịt lợn mà có thêm các thực phẩm khác như trứng, sữa, thịt gà... Thứ hai là do khâu tổ chức ngành hàng, từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra.
Thực tế, câu chuyện được mùa rớt giá đã diễn ra cả chục năm nay, những tấm biểu ngữ “mỗi trái dưa một tấm lòng”, “chung tay hỗ trợ người chăn nuôi”… đã có mặt trên khắp chiều dài đất nước. Từ những cuộc giải cứu chuối, dưa, thịt lợn… cho thấy, những tấm lòng giúp đỡ nhau trong hoạn nạn là hết sức đáng quý và đáng trân trọng nhưng rõ ràng, đây không phải là cách tiêu thụ bền vững cho nông sản Việt.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, khi xảy ra sự cố hay những biến động thì trách nhiệm của nhà nước là phải xử lý và trách nhiệm của người dân là phải cứu giúp nhau. Do đó, việc giải cứu nông sản cho bà con nông dân là việc rất nên làm. Nhưng nếu đứng về khía cạnh nhà nước mà cứ lặp đi lặp lại như vậy thì có một điều gì đó không ổn.
Bởi nguyên tắc, chính sách công phải là dài hạn, dễ đoán biết, không tạo ra bất ngờ. Chính sách công của Chính phủ kiến tạo thì phải tạo ra tính pháp lý ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện để cho các thành phần kinh tế phát triển chứ nhà nước không can thiệp.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng được mùa mất giá như hiện nay là do cung vượt cầu, vỡ quy hoạch, bà con vẫn chưa sản xuất theo tín hiệu thị trường. Do đó, việc dư thừa là đương nhiên. Bên cạnh đó, năng lực dự báo sản xuất, năng lực dự báo thị trường cũng như năng lực quy hoạch chưa tốt, việc bảo quản sau thu hoạch, thiếu định hướng gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân với nhau theo chuỗi giá trị nhằm hạn chế bớt những rủi ro đầu ra cho nông sản thời gian qua.
Vấn đề được nhắc đi nhắc lại trong thời gian qua đó là nông dân hiện đang đơn độc trong sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như nông dân được liên kết với doanh nghiệp, được định hướng, được đặt hàng sản xuất thì sẽ không rơi vào tình trạng nông sản làm ra bị đem đi đổ bỏ như thời gian vừa qua.
Cần một động lực mới
TS. Đặng Kim Sơn phân tích, một trong những câu chuyện quan trọng nhất đó là phải nắm bắt được thị trường. Hầu hết các quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ... đều có cơ quan giám sát thị trường. Hệ thống này của cả tư nhân và Chính phủ được tiến hành cập nhật thường xuyên.
Cụ thể, tại Mỹ, bộ phận này phải thường xuyên công bố thông tin tất cả các thị trường trên thế giới về: tình hình tiêu thụ, thay đổi chính sách, thay đổi tiêu chuẩn…
Tiếp đến, khi đã làm xong công tác thông tin thị trường thì cần có hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Nhiều quốc gia hiện nay thậm chí họ còn làm thành bản đồ, số hóa đưa thông tin đến cho người nông dân, doanh nghiệp, từ đó họ có thể biết rõ được thị trường cung cầu như thế nào, nhu cầu thị trường có xu hướng tăng lên hay giảm đi…
Từ đó, để cho người nông dân tự điều chỉnh xem có thâm canh, mở rộng diện tích hay không, có áp dụng kỹ thuật mới hay không, DN có thể ra quyết định có mua dự trữ hay không, có chuyển sang chế biến hay không, có nhập hàng về để bổ sung hay không… Tuy nhiên, những vấn đề này ở Việt Nam còn thiếu và nói thẳng thắn thì hiện nay chúng ta không làm, ông Đặng Kim Sơn chia sẻ.
Để giải quyết được vấn đề này, cần có một động lực đủ mạnh cho sự thay đổi, cái mà người dân cần nhất ở nhà nước lúc này là giúp họ nghiên cứu thị trường, cung cấp cho họ thông tin và định hướng về thị trường như: tiêu chuẩn, chính sách ở thị trường, kênh phân phối tiêu thụ của các nước…. Nhưng hiện hầu như chưa có các tổ chức chuyên trách và chịu trách nhiệm trả lời những câu hỏi đó. Câu chuyện ở đây không phải là tư duy mà còn là động lực.
“Phải tạo ra được hệ động lực mới. Chuyển từ việc lo về tăng trưởng sang lo về thu nhập của dân, chuyển từ lo về khối lượng xuất khẩu sang giá trị xuất khẩu, không lo về diện tích sản lượng mà lo về bảo vệ môi trường. Nếu tất cả những thay đổi này sẽ tạo ra được hệ động lực mới, giúp gỡ nút thắt cho điệp khúc giải cứu nông sản diễn ra trong suốt thời gian qua”, TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.