Nông dân trăm nỗi xót xa
Ngân hàng giúp sức nhà nông | |
Sắn mất mùa, nông dân lao đao | |
Thấp thỏm làm ăn với thương lái |
Hôm rồi, người quen bên Đông Anh có gọi điện thoại lên nhờ gom hộ người mua để bán bớt ít đầu lợn đã nuôi quá lứa. “Định xuất chuồng dịp Tết vừa rồi nhưng bị ép giá quá, nghĩ để lại ra Giêng lễ hội còn nhiều thì giá lên, ai dè giá giảm thêm mà càng nuôi càng lỗ…”, người quen phân bua với giọng đượm buồn. Sườn, thịt dọi, chân giò “đổ đồng” 30 nghìn đồng/kg; thịt thăn thì tính đắt thêm 5 nghìn đồng/kg. “Lỗ quá, mất cả triệu bạc mỗi đầu lợn nên có gì cho ăn đấy chứ cám bã chi nữa, yên tâm là lợn sạch…”, người bán nói thêm.
“Giá lợn hơi loại tốt đã xuống thấp dưới 28 nghìn đồng/kg, có nơi xuống dưới 25 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới”, bản báo cáo tháng 4/2017 của Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) một lần nữa dập tắt tia hy vọng của những người nuôi còn giữ lợn trong chuồng.
Nhưng điều lạ lùng là giá bán trên thị trường lại không giảm theo “cấp số nhân” như thế. Tại các siêu thị, hiện giá thịt lợn vẫn phổ biến ở mức 85-120 nghìn đồng/kg, tùy loại. Cũng mới đây thôi, lúc tạt vào một khu chợ dọc đường 6 từ Hòa Bình về Hà Nội, thịt lợn bày bán vẫn được “hét giá” tới 120 nghìn đồng/kg, lý do cũng chỉ là “lợn sạch”. Vụ Kinh tế nông nghiệp thừa nhận, người tiêu dùng không mua được thịt giá rẻ còn người chăn nuôi bán lỗ vốn, phần chênh lệch được thương lái, khâu lưu thông trung gian hưởng.
Ảnh minh họa |
Bất cập như trên trong ngành nông nghiệp không chỉ có thịt lợn bị vướng, mà đa số các sản phẩm khác cũng đều chung tình trạng. Tôi từng đi qua các điểm bán hạt tiêu tươi tại Phú Quốc chỉ mới đây thôi, giá chào hàng vẫn 250 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên theo các báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạt tiêu tại một số địa phương trồng diện tích lớn phục vụ xuất khẩu thì giá chỉ từ 105-110 nghìn đồng/kg, còn giá hiện nay tại thị trường Tây Nguyên phổ biến chỉ khoảng 97 nghìn đồng/kg.
Tương tự là các nông sản khác. Cá tra giá phổ biến tại các siêu thị hiện nay khoảng 50-56 nghìn đồng/kg thì giá người nuôi bán cho DN xuất khẩu chỉ có 24-26,5 nghìn đồng/kg. Đặc biệt là các loại hải sản như ngao, ghẹ, bề bề… nếu mua ở các nhà thuyền đánh bắt thì giá thông thường chỉ bằng một nửa đến một phần ba giá ở chợ lớn, nhà hàng, khách sạn.
Dễ nhận thấy sự chênh lệch về giá giữa khâu bán của người trồng với bán của nhà kinh doanh là qua các cuộc “khủng hoảng” nông sản, nhất là khi nó gắn với các cuộc giải cứu vừa qua. Trong khi người trồng dưa hấu, hành, gừng… bán với giá cực rẻ thì tại hầu hết các chợ ở thành thị, những mặt hàng tương tự không có nhiều thay đổi về giá.
Nghịch lý người nuôi trồng chỉ bán sản phẩm được giá thấp, còn lợi nhuận đa phần vào tay thương lái, trung gian lưu thông, theo nhìn nhận của Vụ Kinh tế nông nghiệp, sẽ chỉ được giải quyết nếu người chăn nuôi từ bỏ cách làm truyền thống, tham gia chuỗi liên kết, quy trình khép kín từ sản xuất cho tới cung ứng, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y…
Tôi cũng đã từng đi thăm nhiều trang trại lợn ở Hải Phòng, nơi chủ trại liên kết với CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất của DN này. Khi đó, chủ trại được cung cấp giống đạt chuẩn, bán thức ăn chăn nuôi với giá phù hợp, được hướng dẫn về quy trình công nghệ, nhưng lưu ý khi chăn nuôi và thậm chí được DN cử kỹ sư về hỗ trợ thường xuyên. Chủ trại cũng được hưởng một tỷ lệ vật nuôi chết nhất định, được thu mua với giá đảm bảo có lãi…
Đó là một cách làm tốt, vì khi đó DN chiếm lĩnh thị phần lớn sẽ cân nhắc sản lượng sản xuất theo thị trường, chịu rủi ro thị trường và giá cả cho người nuôi. Nhưng đồng thời, DN cũng có điều kiện để đi vào chế biến sâu sản phẩm với nguồn cung nguyên liệu ổn định. Từ đó, DN gắn liền với một chuỗi giá trị sản phẩm, mà ở đó họ kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu và quá trình sản xuất, qua đó xây dựng thương hiệu và gây dựng lòng tin trong người tiêu dùng.
Nhưng không chỉ có vai trò của DN, trong câu chuyện quy hoạch chuỗi giá trị hàng hóa thì các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc; đưa ra những giải pháp có tính bền vững về giống, công nghệ… giúp ổn định thu nhập của nông dân; từng bước tăng chất lượng sản phẩm và hiệu quả cạnh tranh trên thị trường, gắn với đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng, đặc thù… Chỉ có như thế mới phải liên tục giải cứu nông sản, cứu trợ nông dân.