Bảo hiểm mở rộng thị phần qua ngân hàng
Nam A Bank phân phối bảo hiểm cho FWD | |
Bancassurance: Còn nhiều tiềm năng được tập trung khai thác | |
Nâng cánh cho bancassurance |
Mới đây, Công ty Bảo hiểm AIA Việt Nam đã hợp tác với Ngân hàng TMCP Đông Á cung cấp những dịch vụ tài chính, thông qua công nghệ số và phương thức tiếp cận mới cho khách hàng Việt Nam.
Theo đó, 100% chuyên gia tư vấn bảo hiểm của AIA Việt Nam tại các chi nhánh Ngân hàng Đông Á sẽ được trang bị hệ thống hỗ trợ kinh doanh mang tính tương tác nhằm mang đến cho khách hàng dịch vụ tư vấn tài chính nhanh chóng tại chỗ như ghi nhận thông tin khách hàng, thiết lập bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm.
Ông Wayne Besant, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm AIA Việt Nam cho biết, thông qua hệ thống 212 chi nhánh, phòng giao dịch (PGD) của Ngân hàng Đông Á, AIA sẽ mang đến cho khách hàng các sản phẩm với nhiều lựa chọn để khách hàng có những phương án, giải pháp bảo vệ tài chính an toàn cho bản thân và gia đình.
Được biết, hiện nay Ngân hàng Đông Á có hơn 9 triệu khách hàng trên toàn quốc. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số khách hàng cá nhân phát triển mới là 180.000 và khách hàng DN mới là 690 DN. Trước đó không lâu, công ty bảo hiểm này cũng đã bắt tay với Ngân hàng Shinhan có mạng lưới 18 chi nhánh và PGD, với hàng triệu khách hàng.
“Bán bảo hiểm qua ngân hàng không chỉ làm tăng doanh thu, giảm chi phí cho các công ty bảo hiểm, ngân hàng mà ngay cả đối với các khách hàng cũng được hưởng lợi do có thể dễ dàng tiếp cận và mua bảo hiểm với chi phí thấp hơn, việc chi trả phí bảo hiểm định kỳ cũng thuận tiện hơn rất nhiều và đây là xu hướng phát triển tất yếu” - ông Shin Dong Min, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam chia sẻ.
Như vậy, rõ ràng nếu “tranh thủ” được lượng khách hàng đông đảo của các ngân hàng, AIA sẽ gia tăng được đáng kể thị phần tại thị trường Việt Nam. Tham vọng của AIA chắc chắn không chỉ dừng lại ở 715.000 hợp đồng bảo hiểm trên cả nước, mà thông qua sự hợp tác với các ngân hàng, DN bảo hiểm nhân thọ AIA sẽ còn phủ sóng rộng khắp trong thời gian tới.
Không riêng gì AIA, trước đó hàng loạt các DN bảo hiểm đã ký kết nhiều hợp đồng phân phối sản phẩm bảo hiểm thông qua hệ thống ngân hàng. Đơn cử như Manulife hợp tác với rất nhiều ngân hàng như ANZ, Techcombank, VPBank, SCB, VIB còn Prudential bắt tay với Maritime Bank, Eximbank, Hong Leon Bank hay Dai-ichi cũng không bỏ lỡ cơ hội khi nhanh chóng liên kết với Sacombank, ACB, OCB, Eximbank... để gia tăng giá trị cho các giải pháp tài chính.
Một đại diện của DN bảo hiểm cho rằng, bán bảo hiểm qua ngân hàng được cho là kênh phân phối tối ưu bên cạnh kênh bán hàng truyền thống. Ngoài việc tranh thủ lượng khách hàng sẵn có của nhau, trên nền tảng công nghệ còn gia tăng rất nhiều giá trị cho khách hàng.
Ngoài ra, một điểm quan trọng cần nhắc đến đó chính là mối quan hệ hợp tác còn giúp cho hai bên cùng gia tăng đáng kể hiệu suất kinh doanh và doanh thu đem lại. Tổng Giám đốc Dai-ichi Việt Nam đã từng chia sẻ với báo giới về việc tăng trưởng doanh số khai thác mới thông qua ngân hàng hợp tác lên gấp gần 20 lần, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Vì vậy, công ty bảo hiểm này đã có những hợp tác phân phối độc quyền qua một số ngân hàng với thời hạn lên đến 10 - 15 năm.
Theo phân tích của các chuyên gia, bán bảo hiểm qua ngân hàng đang là một chiến lược mở rộng và nâng cao thị phần “thần tốc” mà không ít các DN ngành bảo hiểm trong và ngoài nước hướng đến. Đây được coi là một trong những kênh bán hàng hiệu quả nên ở các nước châu Âu, tỷ lệ bán bảo hiểm qua ngân hàng khá cao, chiếm khoảng 70% doanh thu toàn ngành. Tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ lệ này lại khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3%. Chính vì vậy, không ít DN bảo hiểm nước ngoài đã và đang nhìn thấy mảnh đất màu mỡ này chưa được khai thác triệt để và còn khá nhiều dư địa để đặt chân vào.
Từ thực tế này, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các DN bảo hiểm Việt Nam nếu không muốn ngày càng bị thu hẹp thị phần cần phải nhanh chóng hoàn thiện ngay hệ thống phân phối để tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng. Việt Nam hiện đang trong tiến trình hội nhập, lĩnh vực bảo hiểm nói riêng và nhiều lĩnh vực khác đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia với ưu thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm lâu năm trên thương trường. Liệu đây sẽ lại tiếp tục diễn ra cuộc chiến không cân sức mà phần thắng đang nghiêng về các đối thủ đến từ nước ngoài?