Bancassurance: Còn nhiều tiềm năng được tập trung khai thác
Bancassurance chưa như kỳ vọng | |
Nâng cánh cho bancassurance | |
Bancassurance tiếp tục tăng tốc |
Dịch vụ “hái ra tiền”
Vài năm gần đây, hầu như mỗi năm đều có vài NH và công ty bảo hiểm công bố hợp tác phân phối sản phẩm. Trong năm nay, Kênh phân phối bảo hiểm qua NH tại Việt Nam (Bancassurance) vẫn tiếp tục nở rộ và đang có xu hướng lan dần đến các NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
NH và bảo hiểm ngày càng tăng cường hợp tác để phân phối sản phẩm |
Cụ thể, tháng 5/2017, AIA Việt Nam và HSBC Việt Nam đã công bố thoả thuận hợp tác phân phối bancassurance thông qua mạng lưới của HSBC Việt Nam đáp ứng đa dạng nhu cầu như mua nhà mới, đầu tư cho giáo dục, lập kế hoạch nghỉ hưu, đối phó với bệnh hiểm nghèo. Giữa tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Shinhan Bank Việt Nam để phân phối bancassurance. Trước đó, hồi tháng 2/2017, Hanwha Life Việt Nam và Woori Bank Việt Nam cũng đã ký kết hợp tác phân phối bancassurance. Đến thời điểm này, có thể nói, hầu như các NH đều có ký kết hợp tác phân phối bancassurance với các công ty bảo hiểm.
Sở dĩ các NH quan tâm đến lĩnh vực này vì đây là một dịch vụ “hái ra tiền” rất hấp dẫn. Phó Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm NH chia sẻ, điều kiện để một công ty bảo hiểm bán hàng qua kênh bancassurance là phải ký kết hợp tác và đáp ứng yêu cầu của NH là gửi một khoản tiền tại NH.
Lãi suất áp dụng cho khoản tiền này không đáng kể, nhưng NH sẽ giúp công ty bảo hiểm khai thác nguồn khách hàng sẵn có và thực hiện bán chéo sản phẩm. Mức phí dành cho các hợp đồng bảo hiểm được ký kết qua NH dao động từ 20-40% và có NH thu đến hàng trăm tỷ đồng từ phí này. Khi đã hợp tác với công ty bảo hiểm, NH cho khách hàng vay vốn và tư vấn khách hàng về việc tham gia bảo hiểm sẽ giúp NH đảm bảo khoản vay. Trường hợp xảy ra rủi ro, họ vẫn có tiền do bảo hiểm bồi thường để trả cho NH.
Ngoài ra, vị này còn cho biết thêm, hiện tại, các NH đang đẩy mạnh phát triển bán lẻ, tập trung vào khách hàng cá nhân nên chắc chắc chắn việc liên kết giữa NH và bảo hiểm sẽ tiếp tục gia tăng, không chỉ về bảo hiểm nhân thọ mà cả bảo hiểm phi nhân thọ.
Về phía các công ty bảo hiểm, bancassurance cũng mang lại lợi ích không nhỏ. Năm 2016, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), kênh bancassurance đạt doanh thu hơn 514 tỷ đồng, chiếm 17% tổng doanh thu, hoàn thành 120% kế hoạch đề ra. Trong cơ cấu doanh thu, bancassurance chỉ xếp sau kênh đại lý khác (38%) và kênh VN Post (chiếm 20%) và cao hơn kênh môi giới (12%), kênh showroom (10%), Telesale (2%), đăng kiểm (1%). PJICO cũng đạt doanh thu tốt từ lĩnh vực này với mức hơn 150 tỷ đồng. Doanh thu từ bancassurance Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng chiếm 10% tổng doanh thu, tăng trưởng 30% so với 2015…
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ít công bố doanh thu nhưng liên tục tập trung phát triển kênh này như Prudential Việt Nam đã hợp tác với 7 NH lớn, Manulife đã ký kết hợp tác với nhiều NH đối tác và không ngừng tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các NH khác.
Cần hỗ trợ khách hàng
Theo ông Back Jong Kook, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, việc ký kết hợp tác với NH giúp công ty bảo hiểm đa dạng hóa kênh phân phối, giúp phục vụ khách hàng thuận tiện hơn. Tại các quốc gia phát triển về bảo hiểm, đây là kênh chiếm tỷ trọng rất cao về phí bảo hiểm mới, trong khi ở Việt Nam chỉ mới phát triển và còn rất nhiều tiềm năng.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc của HSBC cũng chia sẻ, trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định đã góp phần làm gia tăng nhanh chóng số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả với các nhu cầu ngày càng đa dạng về bảo hiểm và tiết kiệm cho giáo dục, nghỉ hưu. Triển khai bancassurance, NH mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm tốt nhất để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của họ về môt cuộc sống chất lượng hơn.
Trong xu hướng đó, cả NH và công ty bảo hiểm cũng cần thay đổi để phù hợp với nhu cầu của khách hàng vì càng về sau nhu cầu của khách hàng Việt Nam sẽ càng đa dạng hơn và đòi hỏi những tính năng mới, sản phẩm công nghệ mới.
Ở góc độ khách hàng, chị Hồng Liên (ngụ quận 8, TP.HCM) cũng chia sẻ, trước đây chị không quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ do không tin tưởng. Nhưng mới đây, khi mở thẻ tín dụng tại một NH nước ngoài, chị được giới thiệu sản phẩm với nhiều tiện ích như giá trị tài khoản sẽ được tính lãi hàng tháng theo mức lãi suất tích lũy được công ty công bố, đặc biệt còn có thể rút tiền từ giá trị tài khoản sau khi hợp đồng đã có hiệu lực được 2 năm nếu các nhu cầu tài chính cấp bách. Bên cạnh tiện ích còn có sự “bảo lãnh” của NH nên chị cũng đã quyết định tham gia sản phẩm này.
Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển bancassurance, nhiều khách hàng cũng phản ánh bất cập như một số NH có hợp tác với công ty bảo hiểm thường ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn. Chẳng hạn muốn mua căn hộ phải mua bảo hiểm nhà, bảo hiểm cháy nổ của công ty bảo hiểm do NH chỉ định mới được giải ngân vốn vay, trong khi không có quy định bắt buộc nào về việc người vay tiền mua căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại phải mua bảo hiểm.
Theo ý kiến của số đông khách hàng, mua bảo hiểm khi vay vốn cũng là điều cần thiết, nếu có rủi ro sẽ được công ty bảo hiểm chia sẻ. Song các nhà cung cấp dịch vụ cần xem xét giảm phí để hỗ trợ khách hàng, vì với mức phí bảo hiểm trên cơ sở giá trị căn hộ do NH định giá hoặc trên số tiền vay hiện nay quá cao, khiến chi phí vay vốn tăng lên gây khó cho người vay.