Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người gửi tiền
Các trường hợp còn nghi vấn đang được tiếp tục điều tra xác minh, hoàn thiện hồ sơ để chi trả tiếp nếu đủ điều kiện. Quá trình chi trả thực tế được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo đúng quy trình đã đề ra. Các vướng mắc của người gửi tiền được giải đáp thỏa đáng ngay trong quá trình chi trả.
Công tác chi trả BHTG thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ |
Quá trình chi trả trực tiếp tại các QTDND bị giải thể bắt buộc luôn diễn ra nhanh chóng, an toàn, hiệu quả do nhận được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan.
Trong hai phương thức chi trả đã thực hiện là chi trả trực tiếp và ủy quyền chi trả, việc chi trả trực tiếp được đánh giá là hiệu quả hơn về thời gian, chất lượng và tác dụng truyền thông. Đây cũng là phương thức được áp dụng hầu hết trong các trường hợp chi trả. Phương thức ủy quyền chi trả tuy mới được áp dụng và chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng, nhưng cũng tạo cơ hội để cán bộ nghiệp vụ rút kinh nghiệm, tạo tiền đề để BHTGVN tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các phương thức chi trả tiến bộ hơn trong thời gian tới.
Việc chi trả nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng đã đảm bảo được mục tiêu của hoạt động BHTG là bảo vệ người gửi tiền, đồng thời ngăn chặn hiện tượng đột biến rút tiền gửi, hiệu ứng lan truyền gây ra bởi tâm lý hoang mang lo sợ của người gửi tiền, từ đó giúp đảm bảo ổn định tình hình an ninh xã hội của địa phương, đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, dù quá trình triển khai công tác chi trả BHTG thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ một số điểm hạn chế gây khó khăn cho các cán bộ khi thực hiện nghiệp vụ, làm ảnh hưởng tới thời gian hoàn thành và chất lượng công việc, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người gửi tiền nói chung. Việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chi trả sẽ chỉ ra một số hạn chế của công tác chi trả BHTG tại Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của những hạn chế đó.
Đầu tiên là thiếu khung pháp lý về chi trả bảo hiểm tiền gửi. Trước khi có Luật BHTG, hoạt động của BHTGVN dựa trên các quy định của Nghị định (NĐ89&109) điều này phần nào làm giảm vị thế của BHTGVN trên thị trường tài chính vì các tổ chức hoạt động trên thị trường này đều được điều phối bởi các luật tương ứng (Luật TCTD, Luật NHNN, Luật Bảo hiểm…).
Mặt khác, do là giai đoạn đầu xây dựng hệ thống tổ chức BHTG, nên một số quy định chưa được rõ ràng hoặc có mâu thuẫn với các bộ luật có liên quan trước đó. Điều này gây không ít khó khăn cho các cán bộ của BHTGVN khi triển khai các nghiệp vụ, bao gồm cả chi trả BHTG.
Tháng 6/2012 Luật BHTG được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2013, trên nguyên tắc kế thừa và phát huy những điểm tiến bộ so với các Nghị định trước đây, quy định tương đối đầy đủ các nội dung cơ bản cho hoạt động BHTG ở Việt Nam. Sự ra đời của Luật BHTG là cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của BHTGVN nói chung và hoạt động chi trả nói riêng, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của BHTGVN trong hệ thống tài chính ngân hàng.
Trên cơ sở quy định của Luật, ngày 28/6/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG. Hiện BHTGVN đã chủ động triển khai các hoạt động theo quy định tại Luật BHTG và Nghị định 68/2013/NĐ-CP. Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết các quy trình nghiệp vụ đã dần được ban hành.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định phù hợp
Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản này còn thiếu tính đồng bộ, nhất quán, do đó việc triển khai hoạt động chi trả gặp phải nhiều điểm vướng mắc, bất hợp lý cần được tháo gỡ, tập trung vào 2 vấn đề chính là điều kiện phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm và tính pháp lý của hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm. Cụ thể:
Tiếp đến, về Điều kiện phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm: Đến nay, các tổ chức tham gia bảo hiểm bị đổ vỡ đã được BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm đến thời điểm hiện nay đều là QTDND cơ sở có vốn điều lệ và tổng tài sản nhỏ (khoảng 2- 3 tỷ đồng), bị giải thể bắt buộc do mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Nếu theo đúng quy định của pháp luật, khi xác định TCTD không có khả năng thanh toán được công nợ thì phải thực hiện theo Luật Phá sản chứ không thực hiện giải thể bắt buộc.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 154 Luật Các TCTD thì TCTD giải thể trong các trường hợp sau: i) Tự nguyện giải thể nếu có khả năng thanh toán hết nợ và được NHNN chấp thuận bằng văn bản; ii) Khi hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được NHNN chấp thuận) bị thu hồi Giấy phép.
Điều 155 và khoản 3 Điều 156 Luật Các TCTD quy định mọi trường hợp TCTD không có khả năng thanh toán được các khoản nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật phải áp dụng theo thủ tục phá sản.
Điều 4, Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ngày 18/01/2010 quy định về việc áp dụng Luật Phá sản đối với TCTD cũng quy định: TCTD không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu sau khi NHNN Việt Nam đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc một TCTD chấm dứt hoạt động theo thủ tục giải thể phải thanh toán được tất cả các khoản nợ, nếu không có khả năng thanh toán hết các khoản nợ, việc chấm dứt hoạt động phải chuyển sang giải quyết theo thủ tục phá sản. Không có trường hợp giải thể bắt buộc.
Bên cạnh đó, Điều 22, Luật BHTG quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm: Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Nếu theo đúng quy định của pháp luật thì trong các trường hợp trên chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của BHTGVN. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đúng các quy định trên sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền và có nguy cơ gây ra sự cố rút tiền hàng loạt làm đổ vỡ dây chuyền các TCTD khác.
Vì vậy, hiện nay, khi chưa có đầy đủ các văn bản dưới Luật, đặc biệt là các Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết của NHNN, BHTGVN vẫn đang áp dụng các quy định của Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ, Thông tư 03/2006/TT-NHNN ngày 25/4/2006 của NHNN để xử lý các trường hợp QTDND đổ vỡ.
Cụ thể, theo quy định tại các văn bản này thì BHTGVN có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn trong 2 trường hợp: Tổ chức đó bị giải thể bắt buộc hoặc bị phá sản.
Như vậy, việc giải thể bắt buộc đối với các QTDND cơ sở và BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền trong các trường hợp trên là nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền cũng như đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng.
Luật BHTG đã được đưa vào thực hiện hơn 4 năm, tuy nhiên việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình nghiệp vụ còn chậm và thiếu đồng bộ. Mặc khác, quá trình thực hiện Luật cũng đã bộc lộ rõ một số điểm mâu thuẫn, chưa đồng bộ với các bộ luật có liên quan hiện hành.
Vì vậy, để từng bước hoàn thiện hoạt động BHTG cũng như công tác chi trả, cần thực hiện các giải pháp sau: Đẩy nhanh việc thể chế, pháp lý hóa các văn bản dưới Luật rõ ràng và cụ thể; Thực hiện các phân tích, đánh giá về quá trình thực hiện Luật BHTG trong những năm qua để xác định các điểm bất hợp lý, chưa phù hợp với các quy định của các văn bản hiện hành có liên quan cũng như với tình hình thực tế để từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong các văn bản sắp ban hành;
Nghiên cứu, tham khảo một số bộ Luật BHTG của các nước có hệ thống BHTG tương đồng và các nước có hệ thống BHTG phát triển để rút ra kinh nghiệm khi ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động BHTG nói chung và công tác chi trả nói riêng, từ đó xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hoạt động của BHTGVN phù hợp với các thông lệ quốc tế;
Nghiên cứu, phân tích tình hình tài chính, kinh tế của Việt Nam hiện nay và các dự báo trong tương lai để có những quy định phù hợp, tránh việc điều chỉnh các văn bản nhiều lần gây mất ổn định trong hoạt động BHTG; Nghiên cứu đề xuất NHNN Việt Nam trình Thủ tướng chính phủ nâng hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho phù hợp với thực tiễn nền kinh tế hiện nay.