“Bắt bài” chính sách lãi suất của Fed
Hạ viện Mỹ chỉ trích chính sách lãi suất thấp của Fed | |
BOJ được dự báo sẽ tập trung vào chính sách lãi suất âm | |
Chính sách lãi suất thấp tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Vào rạng sáng ngày 15/6/2017, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm (0,25%) lên 1,00-1,25%. Đây là lần tăng thứ 3 trong vòng sáu tháng qua, nhưng cũng là lần ít tác động nhất đến thị trường tiền tệ của Việt Nam.
Hầu hết các NHTM vẫn giữ nguyên giá mua – bán USD so với hôm trước. Thậm chí tỷ giá trung tâm còn được NHNN điều chỉnh giảm 3 đồng. Bước sang ngày tiếp theo (16/6), trong khi tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 22.410 đồng tăng 5 đồng so với hôm trước, thì các NH đồng loạt giảm giá mua – bán USD với mức giảm phổ biến 5-10 đồng. Cụ thể, VietinBank và Agribank đều giảm 10 đồng ở cả 2 chiều mua và bán. Thậm chí, Vietcombank giảm mạnh đến 15 đồng mỗi chiều mua – bán xuống 22.650/22.720 đồng/USD.
Chính sách điều hành tỷ giá đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường |
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tỷ giá không có biến động nhiều trước động thái tăng lãi suất của Fed được dự báo từ khá sớm và đã phản ánh vào diễn biến thị trường trong thời gian qua. Trong khi các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về kinh tế Mỹ sau những dữ liệu kinh tế kém khả quan, đặc biệt là lạm phát tại Mỹ đang giảm tốc khá nhanh, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, phản ứng của thị trường Việt Nam phù hợp với diễn biến của chỉ số Dolar - Index. Chỉ số này gần như không thay đổi trong 6 tháng qua.
Diễn biến thị trường ngoại hối trong nước không chỉ theo sát với thị trường thế giới mà đang cho thấy chính sách điều hành tỷ giá đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường. Mặc dù Fed để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất thêm lần nữa vào quý III năm nay, nhưng các chuyên gia nhìn nhận, với xu hướng giảm nhẹ của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trong thời gian sắp tới, tỷ giá USD/VND sẽ không có nhiều biến động.
Phân tích thêm về những điều chỉnh chính sách của Fed tác động đến tỷ giá, theo TS. Tín, khả năng tăng lãi suất lần tiếp theo của Fed có thể sẽ không diễn ra vào tháng 9/2017 như dự kiến, mà có thể vào tháng 12. Bởi, Fed vẫn đang muốn thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất, nhưng đồng thời cũng giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu của các DN.
Động thái Fed tăng lãi suất trong ngắn hạn với những bước điều chỉnh nhỏ chưa gây áp lực đối với tỷ giá là nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính, tiền tệ quốc gia trong báo cáo tình hình kinh tế vừa được công bố mới đây. Tuy nhiên, theo cơ quan này, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, tỷ giá vẫn sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Cụ thể, cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt (dự báo ở mức khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Cùng chung quan điểm, đại diện HSBC cho rằng, từ đầu năm đến nay, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 2,5 tỷ USD và khả năng có thể nới rộng lên 7 tỷ USD vào cuối năm sẽ tạo những áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND vào một số thời điểm. Cùng mối lo này một chuyên gia NH cho rằng, hiện tại nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào từ dòng vốn FDI giải ngân mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam… Cùng với chính sách điều hành tỷ giá hiệu quả như hiện nay, từ nay đến ít nhất hết quý III/2017, tỷ giá sẽ ổn định.
Xét các yếu tố ngoại lai, sức mạnh đồng USD rất quan trọng trong rổ tiền tệ để NHNN tính tỷ giá trung tâm cũng như định hướng tỷ giá trên thị trường. Tuy nhiên, hiện chính sách lãi suất của Fed đang bị “bắt bài” nên tác động đối với thị trường tiền tệ thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang ngày càng giảm dần. Còn đối với nước láng giềng Trung Quốc – nước có tỷ trọng thương mại lớn nhất với Việt Nam, trong mấy tháng gần đây chưa có điều chỉnh chính sách mạnh mà theo hướng ổn định. Ngoài ra, các chính sách lãi suất của NHTW châu Âu, Nhật Bản cũng đang được giữ nguyên. Theo đó, những áp lực từ bên ngoài đối với tỷ giá Việt Nam đang giảm dần.
Tuy nhiên, TS. Tín cũng lưu ý lãi suất sẽ là yếu tố tác động đến tỷ giá. Việc Fed tăng lãi suất lên tới 1,25% thì lãi suất VND khó có khả năng giảm thêm. Nếu như chúng ta giảm lãi suất để khuyến khích, tạo ra sự hỗ trợ nhất định cho DN tiếp cận được nguồn vốn rẻ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chắc chắn gây khó cho tỷ giá. Khi đó khoảng cách lãi suất của hai đồng tiền sẽ hẹp lại. “Vừa giảm lãi suất vừa giữ ổn định tiền tệ là nhiệm vụ khó khăn nhất của nhà điều hành từ nay đến cuối năm. Vấn đề này cần được đánh giá một cách đầy đủ, đảm bảo hài hòa lợi ích tổng thể của nền kinh tế”, một chuyên gia khác khuyến nghị.