Bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ ngân hàng
Rung chuông vì bình đẳng giới | |
Bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo |
Nhằm hiện thực việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Cụ thể Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ: “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai thực hiện. Cùng nhiều bộ luật liên quan như Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm… đều được lồng ghép vấn đề giới.
Tổ chức tập huấn tạo điều kiện để các học viên tìm hiểu, tiếp cận những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về bình đẳng giới |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đây là văn kiện quan trọng nhằm cụ thể hoá các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như những giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật Bình đẳng giới.
Năm 2016, Việt Nam xếp thứ 65 trên thế giới (trên tổng số 144 nước) về Chỉ số Khoảng cách giới toàn cầu (GGI), tiến bộ hơn so với năm 2015 (xếp thứ 83/145). Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham chính cao trong các nước ASEAN, có Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV không đạt được 35% như kỳ vọng, nhưng đã ở mức khá cao (26,7%).
Năm 2015, Việt Nam xếp thứ 5 châu Á - Thái Bình Dương về tiến bộ phụ nữ với Chỉ số Miwa (Chỉ số Tiến bộ phụ nữ do Tổ chức MasterCard xác định) là 66 điểm. Chỉ số này được tính theo 3 tiêu chí là việc làm, học vấn, lãnh đạo. Điều đó càng cho thấy những nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Với sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã đạt được những thành tích cụ thể, đóng góp thiết thực vào tiến trình phát triển kinh - tế xã hội của đất nước. Đã có nhiều mô hình thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai hiệu quả ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Chẳng những thế, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng trong chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước. Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Thấy được tác động lớn lao, tầm ảnh hưởng quan trọng của công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Đảng và Chính phủ Việt Nam liên tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ về kỹ thuật, thông tin tài chính của các tổ chức quốc tế…
Ngành Ngân hàng là một ngành kinh tế có những đóng góp to lớn trên mọi lĩnh vực hoạt động, được ghi nhận và đánh giá cao song có số lao động nữ luôn chiếm tỷ lệ cao, (60.427/106.584 người, chiếm tỷ lệ 56,7% tính đến 31/5/2015). Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của lao động nữ trong Ngành, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
Để triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã tham mưu cho Thống đốc ban hành Quyết định số 2162/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015 nhằm đạt được mục tiêu: Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đào tạo, y tế - thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Không chỉ ban hành Kế hoạch hành động, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các cơ chế, quy chế mà công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác bình đẳng giới cũng đặc biệt được chú trọng. Mà tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm là những hình thức thiết thực để trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động và kỹ năng xây dựng báo cáo…
Mới đây nhất, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng (NHNN) đã tổ chức tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cho các thành viên thư ký, thường trực, cán bộ đầu mối về giới tại các đơn vị thuộc NHTW tại Hải Phòng và Vũng Tàu. Sau khi lĩnh hội các khái niệm, kiến thức về giới, giới tính, bình đẳng giới, định kiến giới… các chính sách và văn bản pháp luật hiện hành về bình đẳng giới; nội dung, nhiệm vụ của công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ… các cán bộ này sẽ truyền thông đến từng nhân viên ở cơ sở mình, góp phần kết thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình hoạt động và tạo ra một môi trường làm việc mang lại quyền lợi bình đẳng cho cả nhân viên nữ và nam.
Từ thực tiễn truyền thông, mỗi cán bộ này sẽ tự điều chỉnh các quy trình quản lý nhân lực để đảm bảo phụ nữ luôn nằm trong danh sách ứng viên được xem xét để tuyển dụng và thăng tiến.
Đợt tập huấn này cũng tạo nền tảng để các học viên tìm hiểu, tiếp cận những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về bình đẳng giới của thế giới cũng như trong Ngành. Kiến nghị từ TS. Dương Kim Anh - giảng viên, Phó hiệu trưởng Học viện Phụ nữ Việt Nam, rằng ngành Ngân hàng nói chung, cần gắn quan điểm thúc đẩy bình đẳng giới với bối cảnh phát triển chung của xã hội hiện nay - hướng tới phát triển bền vững. Cần xác định được cam kết thúc đẩy bình đẳng giới từ các lãnh đạo cấp cao; xác định được các vấn đề giới có tác động tới cơ quan, tổ chức; xây dựng được các mục tiêu can thiệp; dự kiến được kết quả đầu ra.
Đặc biệt, tăng cường áp dụng, thực hiện các kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới, đánh giá tác động giới... kỳ vọng tăng hiệu quả thúc đẩy bình đẳng giới. Đặc biệt hơn, thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ hướng vào ưu tiên phụ nữ; cần thúc đẩy sự tham gia, có trách nhiệm của nam giới; Lưu ý đến mối quan tâm, kỳ vọng của khách hàng...