Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với nhà trên 700 triệu đồng, ô tô hơn 1,5 tỷ đồng
Ảnh minh họa |
Luật này được ban hành thì Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ được bãi bỏ.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo dự kiến của Bộ Tài chính, đối tượng chịu thuế này là nhà, đất, ô tô, máy bay, du thuyền...
Theo đó, đối với đất, Luật dự kiến sẽ đánh thuế đối với đất ở (cả ở nông thôn và đô thị), đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
Đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở sẽ không phải nộp thuế này. Trong đó gồm: đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng. Tuy nhiên, nếu được sử dụng vào mục đích kinh doanh thì sẽ phải chịu thuế.
Về nhà ở và công trình xây dựng trên đất, Bộ Tài chính đang dự kiến 2 phương án lấy ngưỡng chịu thuế là từ 700 triệu đồng hoặc giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, ngưỡng này có thể thay đổi theo ý kiến đóng góp của người dân, của các nhà nghiên cứu và các cơ quan…
Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án đối với nhà ở và công trình trên đất. Phương án 1, đánh thuế cả nhà ở và công trình thương mại, dịch vụ trên đất. Nhà và công trình công cộng không chịu thuế. Phương án 2 đề xuất chỉ đánh thuế với nhà ở. Đối tượng không chịu thuế tài sản gồm: Nhà và công trình công cộng (theo quy định của pháp luật về xây dựng thì nhà và công trình thương mại, dịch vụ được xếp vào nhóm nhà và công trình công cộng nên không cần tách riêng loại này trong đối tượng không chịu thuế); Nhà và công trình công nghiệp; Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đánh thuế nhà, trong đó có nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh vì cho rằng người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội sẽ phải có nghĩa vụ đối với nhà nước. Ở Việt Nam việc đánh thuế đối với nhà và công trình thương mại, dịch vụ sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN", ông Thi cho biết.
Còn về các phương án thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế nêu trên thì mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%. 2 phương án thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.
Bộ Tài chính cho biết, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Với tất cả các phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Đối với tài sản là tàu bay, du thuyền, ô tô, cũng có 2 phương án. Phương án 1: đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Nhưng tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng và tàu bay, du thuyền, ô tô sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách… sẽ không chịu thuế này.
Phương án 2 là không đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền, ô tô. Thuyết minh về phương án này, ông Thi cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện chỉ có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện (trong đó có ô tô, tàu bay, tàu thuyền) là Hàn Quốc, kazakhstan và Bolivia (Hàn Quốc chỉ đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền). Còn ở Việt Nam, theo số liệu do Bộ Giao thông vận tải cung cấp thì 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký trên toàn quốc thuộc sở hữu của tổ chức, không có tàu bay, du thuyền nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân.
Thuyết minh cho việc Bộ đề xuất xây dựng luật thuế tài sản, ông Thi cho biết: Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2%/GDP.
Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Bởi vậy theo ông Thi, để chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách thuế đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu NSNN; thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ; mở rộng cơ sở thuế; góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc ban hành Luật thuế tài sản là cần thiết.