Bức tranh lợi nhuận ngân hàng và những điểm nhấn
Lợi nhuận 9 tháng của Techcombank tăng 85% so với cùng kỳ | |
SHB: Lợi nhuận trước thuế đạt 788,5 tỷ đồng | |
Triển vọng lợi nhuận ngân hàng quý III |
Trong tuần qua, các NH đua nhau “khoe” lợi nhuận với những con số khá ấn tượng. Ở nhóm NHTM Nhà nước, báo cáo 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 6.484 tỷ đồng, tăng 13,2%. Bám sát sau VietinBank là Vietcombank đạt 6.326 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ…
Còn ở khối NHTMCP, Techcombank đang dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Một điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận NH 9 tháng đầu năm nay là LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 865 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 94,5% kế hoạch năm. Một NH khác là SHB cũng có kết quả khả quan với con số lợi nhuận 788,5 tỷ đồng, tăng 8,36% so với cùng kỳ 2015…
Tuy chưa có công bố chính thức, nhưng trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của NH cũng khá khả quan, đạt 343 tỷ đồng so với cùng kỳ tăng 2,5 lần. Lý do giúp lợi nhuận NH tăng ấn tượng được ông Tùng nhận định do áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm. Tỷ lệ nợ xấu giảm, nợ nhóm 1 cao lên khiến lợi nhuận NH tốt hơn.
LienVietPostBank là một trong những NH có tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý III/2016 |
Lợi nhuận NH không chỉ tăng mà ngày càng trở nên thực chất hơn, trước hết do khung pháp lý về phân loại nợ và trích lập dự phòng đã chặt chẽ hơn nhiều, các ưu đãi cơ chế đã dần hết hiệu lực. Một yếu tố khác, trong cơ cấu doanh thu từ hoạt động dịch vụ của NH cải thiện rõ nét. Như tại OCB, thu từ dịch vụ chiếm 13% trong khi trước kia chỉ chiếm khoảng 4%...
Yếu tố giúp NH tăng thu từ dịch vụ nhiều hơn được ông Nguyễn Đình Tùng tiết lộ, cũng như các NH khác nhất là NH bán lẻ, OCB xác định thu từ dịch vụ cũng là nguồn thu chiến lược. Vì thế, mấy năm trở lại đây NH đã đầu tư phát triển mảng này qua việc đa dạng hóa các dịch vụ, phát triển dịch vụ mới như tư vấn pháp lý cho khách hàng, dịch vụ thanh toán mua bán nhà, sản phẩm liên kết NH – bảo hiểm…
Techcombank cũng là NH điển hình về giữ phong độ thu từ dịch vụ. Trong giai đoạn 2012 - 2015, kinh tế khó khăn, cho vay khó khăn doanh thu tín dụng giảm thì chính sự bền vững và mạnh của hoạt động dịch vụ đã giúp lợi nhuận NH duy trì ổn định. Năm 2015 lãi từ hoạt động dịch vụ đã chiếm tới 55,91% lợi nhuận trước thuế của Techcombank. Đà này tiếp tục được duy trì trong năm 2016 là một trong những yếu tố giúp lợi nhuận NH này tăng khá.
Đánh giá tích cực về cải thiện hoạt động tăng thu từ dịch vụ của các NH Việt Nam, một chuyên gia cho rằng, thời gian tới xu hướng này càng phải đẩy mạnh hơn. Vẫn biết cái khó của các NH Việt Nam là do các kênh vốn khác không phát triển nên NH buộc phải cho vay tín dụng quá nhiều.
Vị chuyên gia trên cảnh báo, NH rất dễ tổn thương khi mà dựa quá nhiều vào lợi nhuận từ hoạt động tín dụng. Thu dịch vụ không chỉ đảm bảo lợi nhuận bền vững mà thể hiện giá trị NH. Một NH tốt trên thế giới nói chung phí dịch vụ phải đạt trọng số rất lớn trong tổng doanh thu NH.
Thu phí vừa có tiền tươi thóc thật lại không chịu rủi ro như cho vay. Nhất là thời điểm này lãi suất không phải là món hời đối với các NH khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên NIM tại các NH đang ở mức khá thấp trong một hai năm trở lại đây, thì việc tạo nền tảng tốt phát triển hoạt động dịch vụ sẽ là động lực quan trọng giúp NH duy trì lợi nhuận khả quan thậm chí có thể là đột biến.
Lợi nhuận chuyển biến được đánh giá là một trong những chỉ báo lạc quan về sức khỏe của một bộ phận lớn NH trong hệ thống. Theo đó, tỷ suất sinh lời của các NH tốt hơn, hấp dẫn các cổ đông, nhà đầu tư mới tham gia đầu tư vào NH. Lợi nhuận cao liệu các NH có mạnh tay chia cổ tức để chiều lòng các cổ đông? Tham vấn “người trong cuộc”, một số lãnh đạo NH cho biết, lợi nhuận NH là của để dành chứ không phải tài sản để chia hết.
Chưa kể, NHNN giám sát chặt mức chia cổ tức để tránh TCTD chia quá tay vì họ còn cần phải tích tụ nguồn lực quan trọng này để dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu. Mấy năm qua và cả thời gian tới nếu cơ chế chưa được tháo gỡ thì các NH vẫn phải tự thân để xử lý nợ xấu.
Theo các chuyên gia, việc các NH có lợi nhuận khả quan tạo thêm “nguồn” tài chính quý giá dù nhỏ nhưng có thể giảm bớt áp lực phần nào trong việc tăng vốn điều lệ, đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe về quản trị rủi ro của NHNN, thông lệ quốc tế. Hiện tại việc tăng vốn điều lệ của các NH đang gặp nhiều khó khăn do tình hình thị trường chứng khoán vẫn trồi sụt, kêu gọi sự đóng góp các cổ đông cũng không hề dễ dàng…