Buôn lậu trước mặt cơ quan chức năng
Buôn lậu tinh vi, nan giải xử lý | |
Lợi dụng giao thương để buôn lậu |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Hội nghị |
Phải đánh trúng “đầu sỏ”
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), thời gian gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá tại các địa phương trọng điểm đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng thay đổi nhiều so với trước, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, như cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong ca-bin, mui, gầm, bình xăng xe.
Các đối tượng bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển; dùng xuồng máy, ghe máy có tốc độ rất cao để vận chuyển, thường đi đêm và liên tục thay đổi thời gian, cung đường hoạt động. Manh động và liều lĩnh hơn, chúng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện; hô hào, tập trung đông người gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo người.
Ban chỉ đạo 389 cũng nhận định, trong thị trường nội địa, thuốc lá nhập lậu tuy không còn bày bán công khai như trước nhưng vẫn được các đối tượng bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ, các cửa hàng tạp hóa, các quán nước trên vỉa hè… Một số điểm nóng về buôn bán thuốc lá nhập lậu như: chợ Học Lạc, chợ Trần Quốc Toản, Bến xe An Sương (TP. Hồ Chí Minh)… vẫn chưa được xóa bỏ triệt để.
Thực tế là lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu rất cao, như thuốc Hero chênh lệch từ 8.000 - 10.000 đồng/bao, Jet 10.000 đồng/bao, Esse là 3.500 - 4.000 đồng/bao. Trong khi đó, thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế cao (thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá l,5%...”.
Nhận định về nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá phức tạp, Ban chỉ đạo 389 cho rằng, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác chỉ đạo; các lực lượng chức năng chưa làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu.
Góp ý về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, phải đánh trúng “đầu sỏ” của đường dây buôn lậu, làm rõ đường dây buôn lậu. Thực tế ở Long An đã nắm đươc 10 “đầu sỏ” nhưng vẫn chưa bắt được một đối tượng nào. Trong khi đó, đối tượng bị bắt chỉ là những “nài” chở thuê, chở mướn, là những người dân không có công ăn việc làm và hiểu biết hạn chế về pháp luật.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Trên thực tế, tình hình buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp chưa ngăn chặn đẩy lùi là do chính quyền địa phương chưa kiên quyết cũng như chưa phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo “Các bộ, ngành phải làm tốt công tác phòng chống buôn lậu. Không thể để tình hình lỏng lẻo đến mức hàng đoàn xe chở thuốc lá lậu chạy ầm ầm từ biên giới về mà không có lực lượng nào ngăn chặn. Không thể để tái diễn việc các cơ quan chức năng bắt được buôn lậu bị tấn công lại khiến cán bộ phải hy sinh như trường hợp ở Long An.
Không thể để tái diễn việc các lực lượng chức năng đầy trên biên giới nhưng hàng lậu vẫn tuồn vào các tỉnh thành nội địa, trước mặt các lực lượng chức năng nhưng vẫn không bị bắt”.
Trước tình trạng đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và chính quyền các cấp tích cực hơn nữa trong việc phối hợp phòng chống buôn lậu.
Địa phương nào để xảy ra buôn lậu thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với cấp trên. Để phòng chống buôn lậu hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ở các vùng biên giới, giúp người dân có công ăn việc làm, không tiếp tay cho buôn lậu.