Các ngân hàng trung ương đã "chán" vàng
Vàng phục hồi nhẹ từ đáy 1 tháng, song áp lực giảm giá vẫn lớn | |
Nhu cầu vàng toàn cầu tăng 15% trong quý 2/2016 |
Ảnh minh họa |
Đó là quý thứ 3 liên tiếp các NHTW giảm mua vàng, giai đoạn sụt giảm dài nhất trong ít nhất 5 năm.
Sở dĩ các NHTW giảm mua vàng một phần cũng bởi giá vàng đã tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2016, mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ trong 40 năm qua. Bên cạnh đó, NHTW các quốc gia mới nổi còn giảm mua vàng do lượng tiền thu được từ xuất khẩu giảm, ông John Nugee - người quản lý về dự trữ của NHTW Anh trong những năm 90 nói.
"Các dòng chảy đã chậm lại đáng kể", Thorsten Proettel - một chuyên gia phân tích hàng hóa của Landesbank Baden-Wuerttemberg ở Stuttgart cho biết. "Đây có thể là một yếu tố rất quan trọng đối với thị trường".
Các NHTW đã mạnh tay mua vào vàng, đặc biệt là sau cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu, đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục vào năm 2011. Trước đó, dự trữ vàng của các nước đã giảm liên tục trong gần 2 thập kỷ. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các NHTW thay đổi quan điểm, mua ròng hàng năm và đến tháng 6 vừa qua, lượng dự trữ vàng của các NHTW đã tăng lên cao nhất trong 15 năm.
Tuy nhiên, lượng mua vào vàng của các NHTW có xu hướng chậm dần, cho thấy dấu hiệu "mệt mỏi" của người mua, đặc biệt là với các nước xuất khẩu ít hơn. Tính đến tháng 4/2016, thương mại toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, theo Quỹ tiền tệ quốc tế. Trong khi dự trữ ngoại tệ giảm gần 8% từ mức đỉnh điểm hai năm trước đây, theo dữ liệu của Bloomberg.
Một ví dụ điển hình là Trung Quốc, quốc gia đã vươn lên vị trí thứ 5 thế giới về dự trữ vàng khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Xuất khẩu yếu đang hạn chế dòng tiền của Chính phủ Trung Quốc đầu tư vào các tài sản như trái phiếu kho bạc và vàng. Dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm một phần năm từ mức kỷ lục 4 nghìn tỷ USD hồi tháng 6/2014.
Trong tháng 5, Trung Quốc thông báo không mua vàng. Sau khi tăng trở lại trong tháng 6, lượng vàng mua vào của NHTW Trung Quốc trong tháng 7 cũng chỉ ở mức thấp thứ hai trog vòng 1 năm qua.
"Ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi đã mạnh tay mua vàng để cân bằng lượng dự trữ ngoại hối ngày càng tăng cho đến năm 2015", Nugee - hiện đang điều hành một công ty riêng của mình là Laburnum Consulting Ltd, một công ty tư vấn về kinh tế ở London, nói. "Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối cùng này, khi dự trữ đã giảm và sau đó ổn định, họ (các NHTW) có ít dư địa để tiếp tục mua".
Hệ quả là vàng đã mất đi một động lực khá quan trọng. Sau khi tăng ngoạn mục tới 25% trong nửa đầu năm nay, giá kim loại quý này chỉ thay đổi chút ít trong thời gian gần đây và được giao dịch ở mức 1.323,86 USD/oz trong phiên hôm nay, giảm 3,7% so với mức đỉnh của năm hồi đầu tháng 5 vừa qua.
Không chỉ áp lực từ việc xuất khẩu sụt giảm, ngay cả với các nước có thặng dư tài khoản vãng lai lớn như Trung Quốc và Nga vẫn cần những cách khác nhau để đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của họ.
Tuy nhiên theo Hội đồng Vàng thế giới, với việc lợi suất trái phiếu chính phủ của không ít quốc gia rơi xuống mức âm, vàng vẫn là một tài sản hấp dẫn đối với các NHTW. Đó là lý do tại sao sự tích tụ sẽ tiếp tục.
Chính sách tiền tệ toàn cầu đang ở trong tình trạng chưa từng có, không chỉ giảm lãi suất xuống dưới không mà nhiều gói nới lỏng định lượng khổng lồ cũng được triển khai. Trong bối cảnh đó, vàng có thể sẽ đóng một vai trò nổi bật hơn.
Nga đã tăng gần gấp bốn lần kho vàng của mình kể từ năm 2005 và hiện đang sở hữu lượng vàng nhiều nhất kể từ ít nhất là năm 1993, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết. Nga đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình, Thống đốc NHTW nước này Elvira Nabiullina cho biết hồi năm ngoái.
Mặc dù các chính phủ mua vào khoảng 550 tấn vàng mỗi năm, song đây cũng là những khách hàng dễ thay đổi hơn so với những người mua đồ trang sức. Chẳng hạn từ năm 1989, các NHTW đã bán ròng trong 19 năm liên tiếp, giảm lượng năm giữ tới 5.828 tấn, theo số liệu của IMF.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 21 quốc gia từ Mozambique tới Mông Cổ tăng lượng nắm giữ vàng. Tuy nhiên, năm nay, số lượng các quốc gia mua vàng đã giảm xuống còn 10, với chỉ 4 nước mua nhiều hơn 1 tấn. Trong khi một số quốc gia đã chuyển sang bán ròng. Chẳng hạn dự trữ vàng của Venezuela đã giảm 25% trong nửa đầu năm nay do rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại tệ.
Giá tăng cao cũng hạn chế hoạt động mua vàng của các nước. Trung Quốc trước đó đã mua nhiều hơn khi giá giảm xuống, Eily Ong - một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence ở London nói.
"Số lượng các NHTW mua vàng đã bị thu hẹp", Tom Kendall - Trưởng bộ phận chiến lược kim loại quý của ICBC Standard Bank Plc tại London cho biết.