Các ngân hàng trung ương: Điểm tựa vững chắc cho vàng
Mua ròng mạnh
Hội đồng Vàng thế giới (WGC) dẫn số liệu thống kê tháng 2/2019 của các ngân hàng trung ương vừa được công bố mới đây cho biết, dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng thêm 51 tấn trong tháng 2/2019 - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2018, thời điểm mà các ngân hàng trung ương báo cáo dự trữ vàng toàn cầu tăng thêm 105 tấn. Trong đó, tổng lượng vàng mà các ngân hàng trung ương bán ra là không đáng kể, chỉ khoảng 0,2 tấn trong tháng.
Tính chung hai tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua ròng gần 90 tấn vàng, cao gấp rưỡi so với con số mua ròng 56 tấn của cùng kỳ năm 2018 (và mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008) mà nguyên nhân do các ngân hàng trung ương - chủ yếu từ các thị trường mới nổi - tiếp tục tích lũy vàng với tốc độ mạnh.
Báo cáo hoạt động mua vàng của NHTW |
Theo WGC, đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối vẫn là động lực chính để các ngân hàng trung ương mua vàng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế đang tiếp tục phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. “Sự tăng trưởng bất ổn về địa chính trị và kinh tế trong suốt cả năm ngày càng thúc đẩy các ngân hàng trung ương đa dạng hóa dự trữ và tập trung lại vào mục tiêu chính là đầu tư vào tài sản an toàn và thanh khoản”, WGC nhấn mạnh.
Theo tổ chức này, mặc dù một thập kỷ đã trôi qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thế nhưng sự bất ổn dường như vẫn chưa hề vơi bớt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định và bất ổn địa chính trị đang có xu hướng lan rộng trên toàn cầu như hiện nay, phản ứng của các ngân hàng trung ương bằng cách củng cố dự trữ vàng của họ là hoàn toàn hợp lý.
“Những hành động này phù hợp với một cuộc khảo sát gần đây do WGC thực hiện: 76% ngân hàng trung ương coi vàng như là một tài sản trú ẩn an toàn cao; trong khi 59% cho rằng hiệu suất của vàng là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Và gần 20% các ngân hàng trung ương báo hiệu ý định tăng mua vàng trong 12 tháng tới”, WGC nhận định trong Báo cáo Nhu cầu vàng toàn cầu.
Điểm tựa vững chắc
Theo một số nhà phân tích, nhu cầu của ngân hàng trung ương vẫn là một hỗ trợ thiết yếu đối với thị trường vàng và nhu cầu này không thể sớm bị loại bỏ. Đó là một điểm tựa vững chắc cho kim loại quý này trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng quay lưng lại với thị trường vàng để tập trung vào giá cổ phiếu đang tăng kỷ lục.
Thậm chí giới chuyên môn đang đặt cược ngày càng lớn rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ mua thêm vàng vào dự trữ trong năm nay. Trong một báo cáo gần đây, Howie Lee - một nhà kinh tế thuộc Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC) ước tính rằng RBI có thể mua 46,7 tấn vàng vào năm 2019, tương đương khoảng 1,5 triệu ounce.
Bình luận của ông được đưa ra khi dự trữ vàng của Ấn Độ tăng lên mức kỷ lục. Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từ đầu năm đến nay NHTW Ấn Độ đã mua 8,2 tấn vàng, sau khi đã mua bổ sung tổng cộng 42,3 tấn vàng trong năm 2018. RBI hiện đang nắm giữ 608,7 tấn vàng, tuy nhiên vẫn chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 7% dự trữ ngoại hối chính thức của Ấn Độ.
Ấn Độ đang gia nhập đội ngũ những quốc gia mạnh tay mua vàng trong năm nay, trong đó có Trung Quốc và Nga. Các nhà phân tích cho biết, nhu cầu vàng chính thức đang tăng lên khi các quốc gia cố gắng đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối của mình thay vì tập trung vào đồng USD. Dữ liệu mới nhất từ IMF cho thấy Trung Quốc đã mua 21,8 tấn vàng; trong khi Nga đã mua 37,4 tấn vàng.
“Dường như đang có một mẫu số chung, không chỉ RBI mà các ngân hàng trung ương đều có xu hướng tăng dự trữ vàng khi môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu bất ổn”, Lee của OCBC nói. “Không phải ngẫu nhiên mà một trong những ngân hàng trung ương mua vàng lớn nhất trong những tháng gần đây là Trung Quốc, quốc gia đang có căng thẳng thương mại với Mỹ và có thể đang tìm cách đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ hàng nghìn tỷ USD của mình”.
Daniel Ghali - Chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities cho rằng nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đã hỗ trợ tích cực cho vàng. Theo đó, các nhà quản lý danh mục đầu tư sẽ tin tưởng nhiều hơn vào thị trường vàng khi họ thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các ngân hàng trung ương. Các nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhu cầu này sẽ sớm chấm dứt.
“Nhu cầu này trên thị trường vàng đã diễn ra trong nhiều tháng và nhiều năm”, ông nói. “Năm ngoái chúng tôi đã thấy các ngân hàng trung ương mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1970. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nắm giữ vàng của họ chỉ bắt đầu tăng lên”.