Các “ông lớn” Thái Lan mở rộng ảnh hưởng
DN Thái ồ ạt tham gia thị trường
Khoảng 2 năm gần đây, DN Thái Lan đã “âm thầm” đổ bộ vào ngành sản xuất nhựa của Việt Nam. Đến nay, Nawaplastic Industry - công ty con của Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC), chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC - đã nắm một lượng cổ phần khá lớn tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP).
Các DN Thái Lan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam |
Đồng thời, công ty Thái này cũng đang nắm giữ gần 23% cổ phần của CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP). Ông Kanet Khaochan, Giám đốc điều hành TPC không giấu giếm tham vọng tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty Việt Nam lên mức 49%, mức tối đa theo luật cho phép.
Mạnh mẽ hơn, trong năm 2014, các nhà đầu tư Thái tiếp tục mạnh tay chi hàng tỷ USD để đầu tư trực tiếp vào nhiều lĩnh vực. Đơn cử, trong Hội nghị Thượng đỉnh GM5 mới đây, ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn Amata đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự án “Thành phố tương lai” với tổng mức đầu tư 5 tỷ USD tại Quảng Ninh. Chưa dừng lại ở dự án này, nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp đến từ Thái còn muốn xây dựng một khu công nghiệp lớn tại Bình Định.
Ở mảng thực phẩm, một nhà đầu tư khác của Thái là CP cũng hướng đến mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp, BĐS và cả bán lẻ. Hiện CP đã chi 150 - 200 triệu USD để xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn nuôi tôm cá, chế biến thịt gà và kho đông lạnh tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Siam Cement Plc (SCG) đang xây dựng một tổ hợp hóa dầu tại Việt Nam và mới đây đã thông báo kế hoạch rót ít nhất 100 tỷ baht (tương đương khoảng 3,3 tỷ USD) để mở rộng hoạt động ở khu vực ASEAN trong 5 năm tới…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay các nhà đầu tư Thái Lan có tổng cộng 374 dự án với vốn đầu tư 6,69 tỷ USD, xếp thứ 10 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Xét về yếu tố ngành, khẩu vị của nhà đầu tư đến từ Thái tập trung vào ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng, xây dựng, hóa dầu và công nghiệp thực phẩm.
Cá lớn nuốt cá bé
Có thể thấy, trong lúc nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi khó khăn kéo dài, cuộc chạy đua tăng tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hướng vào các công ty đang kinh doanh hiệu quả phát sinh lo ngại rằng, một số thương hiệu nội địa có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon cho DN nước ngoài thâu tóm.
Lý do các công ty nội địa lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư Thái dù đa phần đang nằm trong nhóm đầu ngành, nhưng xét về đẳng cấp và sức mạnh tài chính vẫn thua sút hoàn toàn đối tác nước ngoài.
Đơn cử, tính riêng lĩnh vực bán lẻ, các DN Thái mở màn cho chiến dịch tấn công của mình với việc Central Group khai trương 2 trung tâm Robins tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt tại Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
Gần nhất, thị trường râm ran thông tin không chính thức là Nguyễn Kim đang đàm phán với Central trong việc phát triển chuỗi bán lẻ. Nếu không có gì thay đổi thì trong năm 2015, dự án hợp tác với Central Group sẽ được Nguyễn Kim công bố. So về tài chính, không có nhiều DN Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ có tiềm lực mạnh như Central Group.
Chưa biết hồi kết sẽ thế nào, chỉ thấy rằng năm 2014, khoản ngân sách 15 tỷ bath (khoảng 460 triệu USD) đã được nhà đầu tư này thông qua để mở các trung tâm mua sắm tại Indonesia, Việt Nam và Malaysia.
Về tham vọng của công ty Thái Lan, nhiều lãnh đạo DN Việt Nam khẳng định họ không quá “tệ” để chịu thua thiệt trong kinh doanh. Thậm chí, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó tổng giám đốc tài chính NTP chia sẻ rằng, vì là DN lớn trong ngành ống nhựa tại thị trường nội địa, việc người Thái mua cổ phần chắc cũng hướng tới mục tiêu để phát triển NTP, khó có chuyện bỏ hàng ngàn tỷ đồng mua cổ phần nhằm triệt tiêu công ty Việt Nam.
Lãnh đạo của Masan thì nói rằng, dù các DN niêm yết đang rơi vào thế “quần ngư tranh thực”, nhưng nhà đầu tư nước ngoài khó có khả năng âm thầm thâu tóm các thương hiệu Việt Nam. Bởi nếu muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu trên 25%, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải công bố thông tin chào mua công khai.
Dù thủ tục này về thực chất chỉ hợp thức hóa các thỏa thuận chuyển nhượng đã được đàm phán, nhưng cũng đủ để cảnh tỉnh các DN đang bị săn đuổi. Theo đó, những công ty nội địa đối diện nguy cơ bị săn đuổi có thể sửa đổi điều lệ, gây khó khăn cho đối tác nước ngoài muốn thôn tính.
Bộ phận phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra cái nhìn thận trọng hơn khi nhận xét động cơ của các DN Thái khi muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Chẳng hạn trong ngành nhựa, hiện các DN Thái đang chiếm tới 50% thị phần ống nhựa PVC tại Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng là một trong các nhà cung cấp nguyên vật liệu lớn tại châu Á. Vì vậy, nếu nắm được quyền chi phối hai DN Việt Nam, các DN Thái sẽ còn kiểm soát giá đầu vào, đồng thời khống chế giá đầu ra thị trường ống nhựa của Việt Nam. Trong ngành bán lẻ điều đó còn diễn ra dễ dàng hơn rất nhiều. Cũng theo BVSC, quan trọng nhất lúc này là cơ sở pháp luật đủ để bảo vệ DN trong nước. Nhưng, một số biện pháp đề phòng từ xa cũng chưa được chú ý đúng mức và thấy ít công ty thực hiện. |