Các quỹ nuôi dưỡng startup tiềm năng: Nơi chắp cánh cho các startup Việt vươn cao
Startups: Việt Nam năng lực có, chỉ chờ thời! | |
Sôi động cuộc đua rót vốn vào khởi nghiệp | |
Đề án 844: Thúc đẩy startup bước tiến dài |
Mới đây cộng đồng startup Việt vui mừng trước sự kiện Công ty Luxstay vừa công bố hoàn tất vòng gọi vốn Bridge với sự tham gia của 2 nhà đầu tư mới đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels. Thương vụ trị giá 4,5 triệu USD này được đánh giá là một trong những khoản rót vốn ban đầu "khủng" dành cho một startup công nghệ Việt Nam.
Việc nhận được vốn từ các nhà đầu tư quốc tế uy tín là bàn đạp quan trọng để startup này hiện thực hóa mục tiêu mở rộng quy mô ra các khu vực khác trong tương lai. Chưa hết, Luxstay đặt mục tiêu cán mốc doanh thu hàng năm trên 300 triệu USD vào năm 2023, chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần. Startup này cho biết đang tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư tài chính, các đối tác chiến lược, triển khai vòng gọi vốn tiếp theo Series A quy mô 15-20 triệu USD dự kiến hoàn tất trong năm 2019.
Abivin giành giải nhất tại cuộc thi Startup World Cup với phần thưởng 1 triệu USD |
Trước đó, Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải đã vượt qua hơn 40 quốc gia, giành quán quân Startup World Cup 2019 do Fenox Ventures tổ chức tại San Francisco (Mỹ) với phần thưởng 1 triệu USD. Đây là một startup "thuần Việt" ghi danh trên đấu trường quốc tế khẳng định sự thay đổi về chất lượng của khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Để có một Abivin thành công như hôm nay, đã có sự góp sức từ nhiều phía, từ gia đình, đến một tầm nhìn rộng mở ngay từ đầu của những người trong cuộc, đặc biệt là cơ chế chính sách hỗ trợ từ nhà nước, từ các nhà đầu tư thiên thần.
Như ông Phạm Nam Long – người sáng lập Abivin chia sẻ, đó là các yếu tố cốt lõi của thành công. Công ty đã tìm được vấn đề để đột phá trong thị trường logistics thời điểm đó và lựa chọn giải quyết bằng sản phẩm công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo; cùng với đó là sự đồng lòng của các thành viên ngay từ những ngày đầu, dù còn nhiều khó khăn về danh tiếng, khách hàng và sản phẩm. Nhất là những hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ khi đã đứng ra chủ trì tổ chức các chương trình và kết nối Abivin với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Thành tích vượt trội của Abivin càng chứng tỏ môi trường hỗ trợ cho khởi nghiệp của Việt Nam đang rất thuận lợi. Đây chính là cú hích, tạo hiệu ứng lan tỏa trong giới startup Việt. Ở một khía cạnh khác, được ghi danh trên đấu trường quốc tế đồng nghĩa với việc những startup như Abivin được nhiều DN biết đến, tìm đến kết nối.
Từ đó, ngoài rót vốn đầu tư, các quỹ đầu tư còn “rót” vô số hỗ trợ khác để startup có thể tận dụng những công nghệ mới nhất và những nền tảng mạnh nhất thế giới, tiếp nối một hành trình phát triển mới để lớn mạnh.
Với các startup có ý tưởng tốt, nhiều tiềm năng phát triển, các quỹ đầu tư thực sự sẽ chắp thêm đôi cánh giúp họ tăng tốc và bay cao trên thương trường. Hiện trên thế giới, danh sách các startup thành công nhờ được hỗ trợ từ quỹ đầu tư ngày càng nối dài với vô số các thương hiệu ở mọi lĩnh vực, ngành nghề như Uber, Snapchat, Xiaomi, Airbnb, Palantir, SpaceX, Printerest, Dropbox…
Có người từng ví các quỹ đầu tư mạo hiểm giống như những người anh cả mạnh mẽ, quyền lực nhưng không còn nhiều ý tưởng, còn các startup như những thanh niên mới lớn, tràn đầy nhiệt huyết, đầy sinh lực song thiếu tiền lại non yếu về kinh nghiệm. Nếu được những người anh cả đầu tư, dìu dắt hướng dẫn kịp thời, lớp đàn em nhiệt huyết này có thể vươn mình đến những tầm cao mới trên thương trường.
Thêm nữa, nhiều chuyên gia có cùng nhận định rằng, Việt Nam là thị trường đủ lớn so với nhiều nước trong khu vực cho các startup xuất sắc. Năng lực và môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất tốt, tạo thuận lợi cho các dự án tỷ đô trong tương lai, những “kỳ lân” của Việt Nam và khu vực. Cộng đồng khởi nghiệp vẫn kỳ vọng Việt Nam có thêm chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ, giữ chân những startup đã giành các giải thưởng tầm cỡ thế giới. Đặc biệt, Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để đầu tư vào những startup có tiềm năng tốt.
Đây cũng là động lực để khuyến khích các DN trong nước đầu tư vào khoa học công nghệ, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, chung tay cùng Chính phủ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, kết nối để các startup có điều kiện phát triển thuận lợi và hiệu quả.
Hiện, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động (tăng gấp đôi so với năm 2015). Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào lĩnh vực này như FPT, Viettel, Vingroup, CMC... với hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Năm 2018, Tập đoàn Vinacapital thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures với mức đầu tư 100 triệu USD; Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức đầu tư 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ. |