Cách mạng trong thanh toán: Chỉ bằng “quét”
VNPAY và UnionPay hợp tác thanh toán QR CODE | |
Cuộc đua mới: QR code | |
Quét VNPAYQR, đón “bão” quà tặng |
Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, hình thức thanh toán di động phổ biến nhất là thanh toán qua QR Code. Nó phổ biến tới mức tại Trung Quốc, người ăn xin cũng có mã QR riêng. Với khả năng có thể phục hồi 30-35% dữ liệu trong trường hợp bị vấy bẩn, bị hỏng... QR Code giúp khắc phục hoàn toàn những hạn chế của mã vạch truyền thống. Khách hàng sử dụng hình thức thanh toán này không cần nhập thông tin cá nhân (số tài khoản, số thẻ...) hạn chế tối đa khả năng hacker khai thác.
Statista dự đoán số người thanh toán qua smartphone ở Việt Nam sẽ đạt mốc 5,4 triệu vào năm 2022 |
Còn tại Việt Nam, nhiều nhà băng như BIDV, VietinBank, Vietcombank, SHB, Maritime Bank, VIB... đều đã tích hợp giải pháp thanh toán QR Pay trên ứng dụng di động. Không chỉ các NH có quy mô lớn, ngay kể cả với những nhà băng bậc trung hoặc nhỏ, ứng dụng QR Code đang dần len lỏi vào hệ thống thanh toán của họ.
Điển hình như trường hợp Sacombank, NH đầu tiên tại thị trường Việt Nam triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR của UnionPay trên phạm vi toàn cầu, không giới hạn chỉ riêng Việt Nam. Đây cũng là nhà băng bổ sung chức năng rút tiền nhanh bằng QR vào ứng dụng mCard. Theo đó, chủ nhân của thẻ có thể sử dụng thiết bị di động quét mã QR có hiển thị trên màn hình ATM để giao dịch rút tiền nhanh.
Thanh toán với QR Code đang trở thành phương thức đột phá cho các NH, thay đổi cách thức và mô hình kinh doanh của nhà băng. Theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, trong đó có QR Pay. Bởi đơn gian, thanh toán di động góp phần xoá nhoà ranh giới giữa online và offline. Qua đó giúp người dùng linh hoạt trong việc thanh toán khi mua hàng trên các website hay tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm.
Lợi ích lớn nhất của mã QR là tính linh hoạt, thuận tiện với cả người tiêu dùng, DN lẫn NH. Việc bổ sung tính năng thanh toán QR Code cho hệ thống mobile banking hiện tại sẽ giúp cho cả phía DN và NH cắt giảm được nhiều chi phí.
Tuy nhiên, chỉ riêng mã QR đã có nhiều đơn vị khác nhau cung cấp với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau. Dẫn tới việc khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, thị trường bị chia cắt và người dùng thấy bất tiện.
Mới đây, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) có chia sẻ, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng một Dự thảo về Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”. Đây có lẽ là điều được mong chờ nhất, bởi có một chuẩn chung cho phương thức thanh toán này sẽ giúp đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu, tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể phát sinh. Ấn Độ được ghi nhận là quốc gia đi tiên phong trong đồng bộ hoá thị trường thanh toán với chuẩn mã QR chung.
QR Code có thể trực tiếp kết nối với tài khoản NH của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán - đây là phương tiện giúp sử dụng dịch vụ NH hữu ích. Giới chuyên gia đều cho rằng việc NHNN sớm đưa ra một chuẩn QR Code chung chắc chắn sẽ có tác động tích cực. Quy định của NHNN khi được ban hành sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hệ thống hoá, chuẩn mực hoá, cũng như quản lý rủi ro về QR Code.
Chuẩn hoá thanh toán bằng mã QR đồng nghĩa với việc thúc đẩy thanh toán di động tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Trần Thanh Nam - CEO Moca cho biết: Ở quy mô toàn cầu, EMVCo đã ban hành chuẩn QR cho thanh toán được hầu hết các mạng thanh toán lớn như Visa, Mastercard, JCB, Amex... hỗ trợ. Việc các đơn vị triển khai dịch vụ thanh toán di động với mã QR cùng hỗ trợ một chuẩn chung sẽ có tác dụng rất lớn trong việc phát triển hệ sinh thái thanh toán di động, đồng thời đem lại tiện ích tối đa cho người tiêu dùng.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhìn nhận trên thực tế, QR Code mới bắt đầu được sử dụng nhiều ngay cả ở những quốc gia tiên tiến trong khoảng vài năm trở lại đây. Tại Việt Nam, phương thức thanh toán này còn khá mới mẻ. Và để trở thành một công cụ thực sự phát huy được hiệu quả, thì nền tảng công nghệ thông tin phục vụ hạ tầng thanh toán cũng phải tiêu tốn một khoảng thời gian ít nhất là 2-3 năm để có thể phổ biến rộng rãi trong hệ thống NH. Trong quá trình này, đòi hỏi nhà băng sẽ phải rất “chịu chi”. Có thể thay đổi hoàn toàn hệ thống CNTT mới để tích hợp với công cụ dùng QR Code, hoặc nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện những điểm còn chưa đồng bộ. Và cho dù là lựa chọn nào, chắc chắn chi phí bỏ ra cũng không hề nhỏ.
Để QR Code có cơ hội chạy “mượt” và phát triển nổi trội ở Việt Nam, cũng cần có những giải pháp đi kèm khác. Một trong những điều kiện được ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank nhận định nằm ở việc cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy DN áp dụng phương thức thanh toán QR Code. Bởi QR Code thực sự tiện dụng và dễ áp dụng cho các DN, đặc biệt là đối tượng DNNVV, siêu vi mô, các hộ kinh doanh cá thể với chi phí thực hiện tương đối thấp. Thêm nữa, còn hỗ trợ công tác quản lý giám sát nhà nước về các hoạt động thu chi, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
“Tuy nhiên, với truyền thống kinh doanh cũng như quy mô nhỏ lẻ của phần lớn các DN hiện nay tại Việt Nam, việc thích nghi và áp dụng công nghệ QR Code không thực sự dễ dàng và nhanh chóng, nếu không có sự giúp sức của các cơ quan, bộ, ban, ngành chủ quản hỗ trợ”, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ.