Cuộc đua mới: QR code
Kienlongbank: Kiểm tra tiền gửi tiết kiệm bằng QR code | |
QR code - Tiện ích thanh toán thời đại số | |
Thanh toán QR Code: Tìm chuẩn chung, nâng tiện lợi cho khách hàng |
Hôm 6/6/2018, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh - Chủ tịch Hội đồng Thanh toán và Công nghệ ngành Ngân hàng đã chủ trì cuộc họp Hội đồng lần thứ 5. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp lần này là thảo luận về việc ban hành Quyết định của Thống đốc NHNN công bố Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”.
Ảnh minh họa |
Mã QR (Quick response code - mã phản hồi nhanh hay còn gọi là mã vạch ma trận) ra đời năm 1994, từ phát minh của Denso Wave đã nhanh chóng được các tổ chức tài chính đầu tư, đưa vào ứng dụng rộng khắp trên thế giới. Khi ứng dụng vào thanh toán điện tử, QR code ngoài việc cung cấp những thông tin cơ bản (tên sản phẩm, các tính năng của sản phẩm, giá thành, nơi sản xuất...) còn giúp người tiêu dùng có thể mua hàng qua mạng hoặc trực tiếp tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, thậm chí mua hàng rong trên hè phố… mà không cần dùng đến tiền mặt hay thẻ tín dụng.
QR code được các ngân hàng tại Việt Nam triển khai vài năm gần đây, nhưng đã phát triển nhanh chóng. Hiện có tới 12 đơn vị triển khai dịch vụ thanh toán QR code với số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code dự báo đạt 50 ngàn điểm trong năm nay. Một số NHTM đi đầu trong mở rộng ứng dụng thanh toán qua mã QR vào ngân hàng trực tuyến như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, TPBank, LienVietpost Bank...
Cụ thể, VietinBank đưa ra phương thức thanh toán QR Pay sử dụng QR code trên ứng dụng iPay Mobile. BIDV triển khai QR Pay trên ứng dụng BIDV Smartbanking; QR Pay cũng được ứng dụng trên Agribank E-Mobile Banking. Vietcombank liên tục nâng cấp VCB-Mobile B@nking với nhiều tính năng, ứng dụng QR code. Hay Sacombank đã ký kết với nhiều tổ chức quốc tế như Visa, Master, Union Pay, Samsung Pay… để triển khai các sản phẩm ứng dụng QR code.
Không chỉ phát triển QR code trên các ứng dụng thanh toán, rút tiền, một số ngân hàng đã áp dụng vào tính năng bảo mật, tra cứu thông tin trong giao dịch gửi tiền tiết kiệm.
Ứng dụng QR code phát triển nhanh nhưng vấn đề đặt ra đối với các đơn vị hiện nay là nhiều đơn vị tự xây dựng hệ thống thanh toán mã QR của riêng mình. Mã QR của ngân hàng A chỉ có thể dùng cho các ứng dụng thanh toán qua QR code mà ngân hàng đó cung cấp. Do đó, một khi khách hàng muốn thanh toán qua QR code qua các tài khoản mở tại nhiều ngân hàng khác nhau sẽ phải tải các mã QR khác nhau.
Việc có một chuẩn chung về mã QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam để các hệ thống khác nhau có thể đọc được mã của nhau, hướng tới sự liên thông trong thanh toán là rất cần thiết, tiện lợi cho cả khách hàng và ngân hàng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên lãnh đạo một NHTM bày tỏ băn khoăn: Sử dụng mã QR code chung sẽ khiến các đơn vị phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong việc đưa ra các sản phẩm, dịch vụ. Nếu công tác bảo mật không cao thì nguy cơ bị “công khai hóa” thông tin khách hàng trong nội bộ hệ thống các đơn vị cung cấp ứng dụng QR code sẽ tạo cơ hội cho cạnh tranh không lành mạnh.
Công nghệ giúp phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích nhưng đồng thời với đó những rủi ro từ ứng dụng công nghệ cũng gia tăng. Chính vì thế, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu Hội đồng hoàn chỉnh Dự thảo và tiến hành các thủ tục để sớm trình Thống đốc NHNN ký ban hành Quyết định công bố Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”; đồng thời các TCTD cần thành lập bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin (ATTT) và tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an ninh công nghệ thông tin ngành Ngân hàng. Các TCTD phải chủ động rà soát, hoàn thành xây dựng quy trình, kịch bản và tổ chức diễn tập để ứng phó các sự cố ATTT, đảm bảo các hệ thống thông tin quan trọng hoạt động liên tục, an toàn trong mọi hoàn cảnh.