Cần có cái nhìn đa chiều về lãi suất
Nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ giảm lãi suất cho vay | |
Vì sao lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh? | |
Ngân hàng tìm cách ổn định lãi suất |
Nỗ lực giảm lãi suất
Quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới mở ra thị trường rộng hơn cho hàng hóa Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Ở thị trường thế giới, hàng hóa Việt Nam phải “hơn thua” một cách sòng phẳng với sản phẩm đến từ các nước khác. Trong khi ngay tại thị trường nội địa, các DN của chúng ta cũng phải cạnh tranh với các DN FDI…
Nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ là “cuộc chiến” có tính liên tục, mà ở đó một trong những đặc thù Việt Nam về sử dụng vốn lớn cho sản xuất kinh doanh trở thành yếu tố quan trọng: cạnh tranh chi phí vốn thấp.
Mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam khoảng 6-11%/năm vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực |
Ngay tại thị trường trong nước, các DN FDI khi đầu tư vốn vào Việt Nam, lúc mở rộng đầu tư hoặc phát triển sản xuất đều cần thêm vốn, nhưng huy động tín dụng trong nước từ khu vực này không nhiều.
Lãnh đạo một chi nhánh NHTM lớn nằm gần khu công nghiệp tại Đông Anh (Hà Nội) từng cho biết, mặc dù đã cố gắng tiếp cận các DN FDI tại khu vực nhưng gần như không thành công, vì hầu hết các DN này đều vay vốn tại những NH theo chỉ định của tập đoàn mẹ, hoặc họ đòi vay với mức lãi suất rất thấp. Chính vì vậy mà sau khi cân đối nguồn vốn cũng như nguồn thu từ các dịch vụ mà những công ty này sẽ sử dụng của NH thì NH không có lợi.
Thế cho nên, có ý kiến cho rằng do các DN nước ngoài được vay vốn với lãi suất thấp hơn nên cạnh tranh mạnh với các DN trong nước. Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, hiện nay các DN trong nước khó cạnh tranh với các DN nước ngoài không phải do lãi suất. Thực tế thời gian qua, với việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN của ngành NH, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh và không còn là vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình hoạt động NH, ngay từ những tháng đầu năm Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định và có điều kiện giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn đối với DN.
Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các NHTM Nhà nước và một số NHTMCP giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất trung và dài hạn đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; một số NH thực hiện chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.
Và với việc điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN, mặt bằng lãi suất của các TCTD đã giảm nhanh và mạnh, hiện chỉ tương đương 50% lãi suất giai đoạn cuối năm 2011, góp phần hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; các DN tốt, hoạt động hiệu quả, có phương án kinh doanh khả thi còn được vay với lãi suất thấp chỉ từ 5-6%/năm…
Cần cái nhìn đa chiều
Trong một văn bản trả lời đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh gần đây, xung quanh việc so sánh lãi suất vay vốn của các DN trong nước và DN FDI, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết mặt bằng lãi suất của một nước, bên cạnh việc chịu tác động trực tiếp của quan hệ cung, cầu vốn trên thị trường tiền tệ, còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát của nước đó.
Các nước trong khu vực có thể duy trì mức lãi suất cho vay thấp hơn là vì: lạm phát của các nước này được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN, nhà đầu tư ở mức cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN không quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng NH.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia NH thông tin thêm, cung ứng vốn cho nền kinh tế hiện nay dựa quá nhiều vào thị trường tiền tệ. Hệ thống NH và phi NH có tổng tài sản chiếm trên 80% hệ thống tài chính và cung ứng 80-90% vốn trong nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó tại các nước tỷ lệ này rất thấp. Ví dụ như tại Ấn Độ thì tỷ lệ này chỉ có 30%, tại Philippines là 27%. Riêng tại Trung Quốc, 50% vốn cho nền kinh tế do NH cung ứng, 23% vốn do trái phiếu cung ứng, 25% vốn do thị trường chứng khoán thu xếp, còn lại là các chủ thể khác, trong đó có hệ thống bảo hiểm.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc hệ thống NH trong nước luôn phải huy động vốn ngắn hạn trong khi cho vay lại chủ yếu là dài hạn, điều này cũng tác động tới lãi suất. Cùng với đó, một nguyên nhân nữa là sự thiếu minh bạch của các DN trong nước dẫn tới khi thẩm định cán bộ NH phải mất nhiều thời gian, chí phí ngày công lớn, dẫn tới chi phí cho vay tăng lên…
“Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế ở mức cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN lại phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay NH, kinh tế vĩ mô, lạm phát chưa có sự ổn định vững chắc như các nước phát triển... nên việc điều hành lãi suất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - TCTD và khách hàng vay, phù hợp với diễn biến kinh tế và thị trường tiền tệ để đảm bảo kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của tỷ giá và hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Trong khi theo số liệu công bố của NH Thế giới (WB) về lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực những năm gần đây, lãi suất cho vay của Myanmar ở mức 13%/năm, Indonesia là 12,7%/năm, Ấn Độ là 10,3%/năm, Thái Lan là 6,6%/năm, Philippines là 5,5%/năm, Singapore là 5,4%/năm. Như vậy, theo các chuyên gia NH, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam khoảng 6-11%/năm vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực.
Việc điều hành lãi suất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - TCTD và khách hàng vay, phù hợp với diễn biến kinh tế và thị trường tiền tệ để đảm bảo kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của tỷ giá và hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. |