Cần có một nguồn lực đủ mạnh
Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp hữu hiệu đối với xử lý nợ xấu | |
Tìm lối ra cho xử lý nợ xấu | |
Chuyển nợ xấu thành vốn góp, nên chăng? |
Ông Nguyễn Ngọc Hải |
Ông đánh giá thế nào về việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua?
Tôi cho rằng, khi chưa có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều khó khăn... thì tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3% như thời gian qua cho thấy sự cố gắng của hệ thống các TCTD, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các giải pháp xử lý nợ xấu đã được triển khai quyết liệt bước đầu mang lại hiệu quả.
Trong đó phải kể đến sự đóng góp từ việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản, xử lý một phần nợ đọng trong xây dựng cơ bản, xử lý tài sản bảo đảm và các tranh chấp vay vốn... của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Kết quả xử lý nợ xấu đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của các giải pháp xử lý nợ xấu và góp phần quan trọng cải thiện thanh khoản, nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Qua đó, giảm mặt bằng lãi suất, từng bước “đánh tan cục máu đông”, giúp đẩy khả năng tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Các biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay thực sự đã hỗ trợ cho hàng nghìn doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng tài chính và phục hồi hoạt động.
Các biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đã hỗ trợ cho hàng nghìn doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng tài chính và phục hồi hoạt động |
Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xử lý nợ xấu còn khá nhiều vướng mắc khi thị trường mua bán nợ chưa có, việc thu hồi tài sản của “con nợ” gặp khó khăn?
Quả thật không thể phủ nhận trong thời gian qua các TCTD cùng với VAMC đã cố gắng nỗ lực vượt bậc trong việc thu hồi nợ xấu, song dường như “đơn thương độc mã”, vấn đề nợ xấu không phải là vấn đề của riêng ngành Ngân hàng mà là vấn đề của nền kinh tế. Khả năng trả nợ của khách hàng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô và kết quả hoạt động kinh doanh của họ.
Tôi cho rằng vướng mắc lớn nhất là khung pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo còn nhiều bất cập, quyền chủ nợ chưa được pháp luật bảo vệ đúng mức, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu.
Hành lang pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ còn nhiều hạn chế, đôi khi còn đối mặt với nguy cơ hình sự hóa trách nhiệm dân sự, lao động. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo ra sự thông thoáng cho hoạt động của VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản đảm bảo.
VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được cho bên thứ ba nếu không có chức năng ngành nghề mua bán nợ. Cần phải có cơ chế hữu hiệu tháo bỏ những vướng mắc trên thì kết quả xử lý nợ của VAMC mới được cải thiện.
Ông có đồng tình với đề xuất, ban hành thông tư liên bộ, thậm chí ban hành luật về xử lý nợ xấu, vì hiện nay những vướng mắc liên quan tới rất nhiều luật mà sửa từng luật thì rất khó?
Theo tôi vấn đề cấp bách hiện nay là xóa bỏ tình trạng “đơn thương độc mã” của VAMC và TCTD trong xử lý nợ xấu. Cần có một nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ cho xử lý nợ, xóa bỏ quan điểm nợ xấu là của ngân hàng và ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý nợ xấu khiến cho các biện pháp xử lý chưa đủ mạnh và chưa đồng bộ.
Trước mắt nên thành lập các tổ công tác liên ngành gồm đại diện NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… và cả UBND tỉnh, thành phố, các cơ quan có liên quan. Về lâu dài cũng cần có một luật riêng để xử lý nợ xấu. Nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, do vậy cần có sự chung tay của xã hội để xử lý.
Xin cảm ơn ông!
Đánh giá về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua, đặc biệt là các giải pháp điều hành giúp lãi suất giảm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải cho rằng: Các giải pháp điều hành CSTT của NHNN đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với các chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo, mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm mạnh và duy trì ở mức thấp đã hỗ trợ tích cực cho ngân sách Nhà nước phát hành thành công trái phiếu Chính phủ với chi phí hợp lý. NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết vốn khả dụng cho các TCTD, giúp các NH giảm mặt bằng lãi suất cho vay nền kinh tế giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. |