Tìm lối ra cho xử lý nợ xấu
Chuyển nợ xấu thành vốn góp, nên chăng? | |
Kiên quyết xử lý nợ xấu bằng biện pháp mạnh | |
Cởi nút thắt cho xử lý nợ xấu |
Gần đây câu chuyện nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) nhích nhẹ trở lại. Lý do, quá trình xử lý nợ bị kéo dài hơn so với dự kiến, đồng thời, một số NHTM cho biết đầu ra của nợ cũng đang vướng. Tuy nhiên, giới làm NH khẳng định, dù với hướng đi nào, việc xử lý nợ xấu vẫn đang được giải quyết từng khâu, trong đó, những điểm nghẽn về chính sách được tập trung xử lý để hướng tới một thị trường mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
Theo công bố ngày 11/8/2016 của NHNN, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Trong khi đó, theo số liệu do các NH và Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59.710 tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Theo đó, bán nợ cho VAMC 8.880 tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30.980 nghìn tỷ đồng, còn lại các NH sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7.240 tỷ đồng.
Nhiều khoản nợ kéo dài đang làm khó các NH |
Báo cáo tài chính của một số TCTD cho thấy, nợ xấu đang được giải quyết đúng theo lộ trình, có điều, nợ nhóm 5 đang khó giải quyết hơn. Đây tiếp tục là những thách thức, áp lực mà các NH phải đối mặt khi giải quyết vấn đề nợ xấu một cách hiệu quả.
Vì vậy, theo TS. Trần Hoàng Ngân, giờ phải tính đến việc xử lý nợ xấu mà VAMC đang tạm giữ hộ cho NH. “NH đã trích dự phòng, nhưng họ trích bao nhiêu cần báo cáo rõ để xem mỗi năm trích 20% dự phòng cho nợ xấu ở VAMC các NH có trích nổi hay không, từ đó mới nhìn nhận được bản chất của việc xử lý nợ xấu” – TS. Ngân nói.
Thống kê tại 9 NHTM đang niêm yết trên thị trường đến cuối tháng 6/2016 cho thấy, các nhà băng này đang giữ hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng cuối năm 2015. Đơn cử, nợ nhóm 5 tại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được công bố tại đại hội cổ đông bất thường cho thấy có phần hơi cao.
Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm nay, BIDV có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ nhóm 5 của NH này ở mức khoảng gần 7 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các NH quy mô nhỏ, sau quá trình M&A, nợ xấu cũng có xu hướng tăng và tuy đã bán khối lượng lớn nợ xấu cho VAMC, nhưng vẫn đang chật vật để xử lý. Trong quá trình xử lý nợ xấu, việc trích lập dự phòng rủi ro vì thế bòn rút phân nửa lợi nhuận của các NH, điều này dự báo sẽ còn đeo đẳng các NH trong nhiều năm tới.
Với quan điểm của mình, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính – NH, Trường Đại học Mở TP.HCM cũng đưa ra nhận định, sau hơn 4 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống NH, bài toán xử lý nợ xấu của các NHTM vẫn đang trong quá trình tìm kiếm kết quả. Bởi, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu gom về VAMC từ các NHTM, 3 năm nay vẫn chưa tìm được đầu ra, vẫn là chướng ngại vật của dòng vốn trong nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư dù muốn lại không thể tham gia vào mua lại nợ xấu, vì chưa có thị trường mua – bán nợ.
Với diễn biến hiện tại, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn xử lý nợ xấu phải để nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Bởi VAMC hiện còn nhiều hạn chế về quyền lực, vì chưa thể phát triển được thị trường mua bán nợ và định giá tài sản. Trong khi, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trong mua nợ xấu rất quan trọng.
Với Việt Nam, nguồn lực để xử lý nợ rất hạn chế, không thể dùng ngân sách xử lý nợ. Do đó, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp đẩy nhanh mua - bán nợ. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ mang tính chuyên nghiệp cao cũng sẽ góp phần tạo dựng, phát triển thị trường mua - bán nợ, nhất là Luật Đất đai đã cho phép người nước ngoài được mua nhà.
Đánh giá được đưa ra từ các chuyên gia kinh tế, tài chính, tuy quá trình xử lý nợ xấu đã được NH đẩy mạnh và việc xử lý nợ hiện nay mặc dù đã có sự thay đổi về lượng, nhưng chưa thay đổi căn bản về chất. Trong khi, với kết quả thu hồi nợ mà VAMC có được chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với những khoản nợ mà họ đã thu mua, cho thấy tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC thời gian qua còn chậm bởi nhiều lý do, trong đó vướng nhất là do cơ chế và quyền lực còn nhiều bó buộc, nhất là trong thủ tục xử lý tài sản đảm bảo.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân... Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hết sức khó khăn, bởi nếu VAMC bán các khoản nợ đã mua với giá cao thì không ai mua, mà bán rẻ quá thì NH không đồng ý…