Cần hỗ trợ du lịch cộng đồng
Món quà trải nghiệm cho người già | |
Du lịch khởi sắc từ điện ảnh |
Đánh thức tiềm năng
Xu hướng du lịch gắn liền với thiên nhiên, sinh thái đến với các làng quê hẻo lánh, vùng sâu vùng xa đang trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Tại khu vực miền Trung các địa phương như: Quảng Nam và TP. Đà Nẵng là những nơi có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên việc phát triển du lịch cộng đồng ở từng địa phương vẫn gặp những khó khăn, cần nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng...
Miền núi Quảng Nam có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch |
Tại Quảng Nam, thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” do Chính phủ Luxembourg tài trợ, chính quyền địa phương đã xây dựng một số điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng, hướng đến giảm nghèo bền vững thông qua việc tạo việc làm tại chỗ cho người dân trong vùng thực hiện dự án.
Đến nay, các dự án du lịch cộng đồng ở Quảng Nam đã bước đầu có hiệu quả. Nhiều điểm đến ở miền núi, vùng sâu vùng xa ở địa phương đã được du khách cả trong lẫn ngoài nước biết đến. Trong số đó, có thể kể đến mô hình phát triển du lịch ở hai làng Bhơ Hồông, thuộc xã Sông Kôn và làng Đhrôồng, thuộc xã Ta Lu, nằm trên địa bàn huyện Đông Giang. Hai ngôi làng này là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu. Cũng là những nơi còn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc Cơ Tu ở vùng cao Đông Giang.
Đến đây, du khách được trải nghiệm qua đêm ngay chính tại ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào. Đồng thời, được khám phá các hoạt động như, nghề dệt thổ cẩm, đan gùi truyền thống cùng với chương trình ẩm thực với các món ăn địa phương... Vị trí của làng Bhơ Hồông và Đhrôồng cũng khá thuận tiện cho việc đi lại của du khách khi chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 80km, nằm trên tuyến đường chính nối Đà Nẵng với các huyện miền núi Quảng Nam.
Tiếp nối những thành công ở làng du lịch Bhơ Hồông và Đhrôồng, Quảng Nam đã tiếp tục đưa làng du lịch cộng đồng Triêm Tây tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn đi vào hoạt động. Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, chỉ cách Hội An chừng 10 phút đi thuyền từ bến làng gốm Thanh Hà, hoặc khoảng 5 phút qua cầu Cẩm Kim và làng mộc Kim Bồng.
Ngôi làng rợp bóng tre xanh Triêm Tây là nơi lý tưởng cho tour đi bộ trên những con đường làng hai bên xanh mướt. Phục vụ cho du khách, một số hộ dân trong làng đã thành lập các tổ dịch vụ như: ẩm thực, văn nghệ, làm vườn, chèo thuyền, làng nghề, lưu trú, hướng dẫn khách tham quan...
Đến nay, làng Triêm Tây đã được nhiều du khách gần xa biết đến. Tháng 3/2017, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây được Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên trao chứng nhận danh hiệu “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN” (ASEAN Community Based Tourism)...
Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, sau mô hình du lịch cộng đồng tại các làng Bhơ Hồông và Đhrôồng, Triêm Tây là một điểm đến đặc biệt tại Quảng Nam, nơi du lịch được coi là một quá trình thúc đẩy không chỉ về mặt kinh tế, nâng cao thu nhập bổ sung, mà còn góp phần thúc đẩy sự gắn kết xã hội giữa các thành viên trong cộng đồng.
Cần được hỗ trợ
Còn tại TP. Đà Nẵng, mô hình du lịch cộng đồng cũng đang được chính quyền địa phương chú trọng phát triển. Trên địa bàn thành phố có nhiều khu vực có thể tổ chức du lịch cộng đồng như: cụm nhà cổ Thái Lai ở huyện Hòa Vang, cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn, cụm làng Phong Nam - Cẩm Nê... Theo nhiều người đây là các khu vực có cảnh quan phù hợp cho việc xây dựng loại hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Đặc biệt, tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang, nơi giáp ranh với Quảng Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Ở khu vực này có điều kiện tự nhiên thuận lợi, với cảnh quan đẹp, nhiều nét hoang sơ chưa bị khai phá. Bên cạnh, là những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Cơ Tu như, nghề dệt truyền thống, nhà gươl, các lễ hội văn hóa, các tiết mục múa cồng chiêng, múa tung tung dza dzá...
Theo đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, chính quyền địa phương đặt ra mục tiêu đến năm 2018 sẽ có ít nhất 30% hộ đồng bào Cơ Tu ở đây tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch, đón khách tham quan và lưu trú (home stay). Đến năm 2020, sẽ quy hoạch và xây dựng một khu vui chơi giải trí, tổ chức show diễn phục vụ lửa trại, múa cồng chiêng cho khách du lịch hàng tuần, dự kiến đón 2 nghìn lượt khách mỗi năm. Trong đó, 20% là khách có lưu trú ít nhất một đêm ở Tà Lang hay Giàn Bí...
Như đã nói ở trên, mặc dù Quảng Nam hay TP. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Song, vì nhiều lý do khác nhau nên du lịch cộng đồng ở hai địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, tại TP. Đà Nẵng hiện nay thỉnh thoảng mới có khách đến với hai thôn Tà Lang hay Giàn Bí. Nhưng, hầu như không có du khách nào ở lại qua đêm, bởi ở đây còn hạn chế các dịch vụ du lịch đi kèm, đặc biệt là nơi lưu trú.
Còn tại Quảng Nam, mặc dù đã phát triển chuyên nghiệp, song du lịch cộng đồng vẫn gặp những hạn chế. Đến nay, một số ngôi nhà trong làng du lịch Bhơ Hồông đang bị bê tông hóa, với lối xây dựng xa dần nếp kiến trúc truyền thống. Điều này, mang lại những cảm giác tiếc nuối, xen lẫn hụt hẫng cho du khách khi đến đây. Trên thực tế, việc được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Nhà nước cho hộ khó khăn thì không đủ để kêu gọi người dân tìm gỗ để làm ngôi nhà truyền thống.
Bởi vậy, nhiều hộ dân phải xây nhà bằng gạch, đá, xi măng... Trong khi, du khách đã lên đến đây đều muốn cảm nhận được nghỉ qua đêm trong những ngôi nhà truyền thống của đồng bào, giữa một không gian thơ mộng, yên bình bên dòng suối mát.
Có thể nói, việc bảo tồn và khai thác chưa kết hợp hài hòa đã và đang làm du lịch dựa vào cộng đồng gặp khó. Điều này, không riêng gì Quảng Nam hay Đà Nẵng mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài những hỗ trợ, can thiệp từ các cơ quan chức năng thì ý thức làm du lịch cộng đồng của người dân cũng cần phải được thay đổi.
Bởi, chủ thể thực hiện du lịch cộng đồng, chính là những người dân địa phương. Trong khi, hiện nay họ vẫn đang gặp nhiều khó khăn về kỹ năng làm du lịch, ý thức, ngoại ngữ kể cả cơ sở vật chất phục vụ du lịch cho du lịch cộng đồng...