Cần lưu ý rào cản thương mại
So sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam – dù là quốc gia đang phát triển nhưng có tốc độ hội nhập và mức độ liên kết kinh tế với các thị trường lớn trên thế giới chỉ sau Singapore. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán và tham gia đàm phán 15 FTA chính (FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)…).
Các chính sách hỗ trợ DN để đáp ứng yêu cầu hội nhập chưa đạt yêu cầu |
Như vậy, nếu xét tổng thể qua các FTA, Việt Nam đã và sẽ có các mối quan hệ kinh tế sâu rộng với ít nhất 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Các FTA góp phần quan trọng cho việc hội nhập kinh tế quốc tế phát triển theo chiều sâu và ảnh hưởng tích cực đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, Th.S Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP. Hồ Chí Minh nhận xét.
Tuy nhiên, nhìn ở chiều hướng ngược lại, ông An cho rằng, việc triển khai rộng rãi các FTA tới đây, sẽ dẫn đến vai trò các hàng rào thuế quan ngày càng giảm, ngược lại các biện pháp phi thuế quan – rào cản thương mại lại trở nên phổ biến hơn.
Thực tế cho thấy, rào cản kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriesr to Trade – TBT) là một trong những rào cản thương mại điển hình và khá phức tạp với các DN xuất khẩu.
Theo phạm vi hẹp, đối tượng điều chỉnh của TBT là các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp. Mỗi quốc gia thường xây dựng cho mình một hàng rào kỹ thuật hợp pháp, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa đạt yêu cầu chất lượng. Nhưng chúng có thể là gánh nặng chi phí và là vấn đề phức tạp đối với DN.
Thừa nhận DN sẽ gặp nhiều khó khăn với TBT, ông Phạm Xuân Trung, Phó phòng Thương mại Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) cho hay, công ty đang vướng phải TBT từ hai thị trường Mỹ và Nhật Bản. Đây đều là hai quốc gia thành viên TPP.
Theo ông Trung, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đòi hỏi DN phải có chứng nhận UL (Chứng nhận sản phẩm đạt các chỉ tiêu về an toàn, bao gồm an toàn về điện, an toàn với sức khỏe con người, an toàn với môi trường...). Trong khi đó, các tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản lại là những tiêu chuẩn rất đặc thù, chỉ áp dụng riêng đối với nước Nhật.
Để giải quyết khó khăn về các vấn đề có liên quan đến TBT, tự bản thân DN rất khó để đáp ứng được yêu cầu, bởi các DN còn phải tập trung cho sản xuất, đáp ứng tiến độ giao hàng từ nhà nhập khẩu. Do đó, hơn lúc nào hết, các DN cần có sự đồng hành từ phía các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề...
Tuy nhiên, từ thực tế làm công tác tư vấn cho các DN xuất nhập khẩu, ông Phạm Bình An, cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN để đáp ứng yêu cầu hội nhập chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, ông An dẫn chứng, chính sách hỗ trợ DN áp dụng các quy trình nâng cao chất lượng sản phẩm hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN nhỏ và vừa.
Ví dụ kinh phí hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng các ISO và các biện pháp quản lý tiên tiến khác là 30 triệu đồng/DN, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong chi phí thực tế; hay việc áp dụng VietGAP, GlobalGAP… có chi phí rất cao so với các hợp tác xã, nông hộ hay DN nhỏ và vừa, nhưng lại phải nộp chi phí hàng năm. “Điều này lý giải vì sao tỷ lệ áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến và quản lý chất lượng tại các DN còn ở mức thấp”, ông Phạm Bình An nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các hàng rào thuế quan ngày càng giảm vai trò trong quan hệ thương mại quốc tế như hiện nay, bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN về tài chính, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương) cần sớm triển khai xây dựng một cổng thông tin về thị trường ngành hàng/quốc gia, vùng lãnh thổ và các rào cản để cung cấp cho các DN có nhu cầu.