Cần sự đồng thuận về điều hành giá
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu ông Tuấn nói đến là điện, than, xăng dầu, sữa và dịch vụ công.
Giá bán lẻ các sản phẩm sữa đã có dấu hiệu giảm |
Bộ Tài chính tỏ ý để công chúng hiểu những công việc và cường độ mà bộ và cơ quan chức năng đã làm để kiểm soát giá, kiềm chế lạm phát. Nhưng xã hội vẫn đang đòi hỏi và rất quan tâm đến vấn đề giá cả, nhất là với sữa và cước vận tải.
Năm nay diễn biến giá xăng dầu tương đối thuận lợi cho vận tải, và đã có tới 12 lần giảm giá bán lẻ xăng trong khi đó cước vận tải không được giảm tương ứng. Và dường như các DN vận tải cũng vin vào lý do một loạt các yếu tố cấu thành giá tăng để trì hoãn việc giảm cước.
Giá sữa và nguyên liệu sản xuất sữa trên thị trường thế giới cũng giảm liên tục nhưng giá sữa bán trong nước không giảm.
Bộ Tài chính cho biết, đã có 2 văn bản gửi Bộ GTVT và UBND, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc việc kê khai giá các loại hình cước vận tải. “Hiện hầu hết các địa phương đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp với biến động của chi phí đầu vào.
Và một số các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại nhiều tỉnh/thành phố đã kê khai giảm cước...”, ông Tuấn cho biết. Bộ GTVT đã thành lập các đoàn kiểm tra và đang tích cực làm việc, dự kiến kết thúc trước 20/10. Các loại cước vận tải có cơ cấu chi phí khác nhau, Cục sẽ xác định yếu tố đầu vào và chi phí của từng loại để kiến nghị biện pháp quản lý và mức giá phù hợp.
Trước diễn biến giá sữa nguyên liệu giảm song giá sữa trong nước vẫn không giảm tương ứng, ông Tuấn cho biết sữa bán trong nước có loại là nhập khẩu thành phẩm, có loại sản xuất trong nước nên xảy ra tình trạng này.
Bộ Tài chính đã dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan khẳng định giá nhập khẩu thành phẩm sữa về Việt Nam của các DN là ổn định, nhưng giá thành còn chịu tác động của tỷ giá. Giá sữa sản xuất trong nước mà phải nhập nguyên liệu, ngoài phần giá nguyên liệu sữa giảm thì các chi phí khác như giá nhân công (lương tối thiểu vùng tăng – PV), tỷ giá và chi phí quảng cáo khuyến mại, tiền điện… là những yếu tố có xu hướng tăng và “gây áp lực giá tối đa lên giá bán trong nước”, theo ông Tuấn.
Tuy nhiên Cục Quản lý đã có văn bản yêu cầu DN kinh doanh sữa phải tiết giảm chi phí theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ…
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết 28/9/2015, đã có 768 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thiết lập mặt bằng giá tối đa, và về cơ bản đã được kiểm soát. Giá bán lẻ các sản phẩm sữa này hiện đã giảm khoảng từ 0,1-34% so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá (trước 1/6/2014).
Thứ trưởng Bộ Tài chính – Vũ Thị Mai cũng khẳng định sẽ tiếp tục giám sát kê khai giá của DN đối với các mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Thông tin về giá và công tác điều hành giá sẽ được công khai để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công chúng. Ông Tuấn cũng khẳng định: “sẽ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá”.