Cần thêm dịch vụ để thu hút du khách
Ảnh minh họa |
Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Vietravel, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, nên có chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, đầu tư vào các dịch vụ vui chơi, giải trí để kéo dài thời gian lưu lại của du khách. Ngành du lịch thành phố nên có kế hoạch cụ thể để xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, độc đáo mang đặc trưng riêng của Đà Nẵng.
Có thể nói, tiềm năng để khai thác phát triển du lịch nói chung và du lịch biển ở Đà Nẵng nói riêng rất phong phú. Nắm bắt được lợi thế đó, những năm gần đây nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã rót tiền vào du lịch ở địa phương.
Đến nay, Đà Nẵng thu hút 74 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng số vốn đầu tư 8,4 tỷ USD. Trong đó, có 16 dự án nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD và 58 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 7,2 tỷ USD. Với làn sóng đầu tư này, hệ thống khách sạn, nhà hàng, các chuỗi dịch vụ du lịch hình thành và phát triển.
Thế nhưng, trong thực tế tiềm năng du lịch Đà Nẵng chưa được khai thác phù hợp để đủ sức thu hút du khách. Vấn đề làm cản trở sức hấp dẫn của du lịch địa phương do các dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu du lịch dường như quá thiếu và nghèo nàn.
Đồng thời, chất lượng các loại hình kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch biển còn nhiều bất cập. Trong số 74 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng số vốn đầu tư 8,4 tỷ USD, đa số các dự án đầu tư vào khu nghỉ dưỡng cao cấp… Hiện, các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng chủ yếu là các hoạt động diễn ra ban ngày, ít có sản phẩm du lịch về đêm, chưa tạo được sức lan tỏa, thu hút khách.
Nhiều du khách đến thành phố đã phàn nàn rằng, ngoài các hoạt động vui chơi giải trí ở khu Bà Nà, Công viên châu Á, du thuyền trên sông Hàn hay đi dạo bên bờ sông Hàn xem cầu Rồng phun lửa, phun nước… xem xong chẳng biết đi đâu nên lại quay về khách sạn.
Theo ông Cao Xuân Thắng - Bí thư Quận ủy Sơn Trà, trên địa bàn quận ngành du lịch phát triển rõ nét, giá trị sản xuất tăng 14,72%/năm, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn có những trăn trở bởi, nhân lực, chất lượng phục vụ của nhiều khách sạn, nhà hàng còn thiếu chuyên nghiệp; văn hóa ứng xử trong kinh doanh còn nhiều vấn đề phải bàn.
Đặc biệt, các khu vui chơi, giải trí về đêm, các sản phẩm lưu niệm ở địa phương còn khá đơn điệu… Chính quyền địa phương quận Sơn Trà đã đề xuất thành phố quy hoạch, khai thác thêm nhiều tour, tuyến du lịch biển, vòng quanh bán đảo Sơn Trà, cảnh quan hai bờ sông Hàn, cũng như xây dựng hệ thống cầu cảng và bến bãi du thuyền.
Để thu hút khách du lịch, TP. Đà Nẵng cần tiếp tục được chú trọng và đầu tư dịch vụ du lịch hơn nữa, trong đó tập trung vào các dịch vụ trên biển, tạo ra các khu mua sắm, vui chơi, các chương trình biểu diễn độc đáo… Một điểm đến du lịch dứt khoát phải hình thành khu chợ đêm. Tốt nhất là kết hợp được với phố đi bộ, đơn cử như đường Bạch Đằng, với các điểm tham quan khu vực đầu cầu Rồng… Chợ đêm cần phải có đầy đủ các đặc sản địa phương vừa để tiêu dùng tại chỗ, vừa để mang về làm quà.
Bên cạnh, chợ đêm cũng phải có đa dạng các dịch vụ như bar, biểu diễn âm nhạc, nhà hàng, spa… để có thể phục vụ các nhu cầu của khách. Được biết, đến tháng 4/2016, trục lễ hội hai bên bờ sông Hàn sẽ đi vào hoạt động; theo đó, các chương trình nghệ thuật như: đưa tuồng xuống phố, âm nhạc đường phố sẽ được biểu diễn luân phiên, xen kẽ nhau trong những ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, theo nhiều người để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, không chỉ tiếp tục đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, TP. Đà Nẵng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao ý thức về văn minh thương mại, làm cho văn hóa du lịch thấm sâu và trở thành quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch; Xử lý nghiêm các hành vi chèo kéo khách, gian lận thương mại, “chặt chém”… nhằm tạo môi trường du lịch thật sự thân thiện.