Cần trảm ngay các quy định bất hợp lý
Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh quý 3 | |
Hộ kinh doanh trước ứng xử chính sách | |
Cần môi trường kinh doanh lành mạnh |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết, việc ban hành Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 đã thể hiện một nỗ lực mới của Quốc hội và Chính phủ trong quyết tâm cải thiện chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh.
Các bộ, ngành và Chính phủ đã nỗ lực rà soát, đánh giá toàn bộ các điều kiện đầu tư kinh doanh trái với Luật Đầu tư đã được ban hành trước ngày 1/7/2015 và đã trình Chính phủ ban hành đúng thẩm quyền, đúng thời hạn, trước ngày 1/7/2016.
Và đến nay về cơ bản, các quy định này đã hạn chế sự tùy tiện của các bộ, ngành và UBND ban hành quy định về điều kiện kinh doanh đã được thực thi sau 15 năm, kể từ khi lần đầu tiên được quy định trong Luật DN năm 1999.
Tuy nhiên, cộng đồng DN lại không đánh giá như vậy. Họ nhìn nhận những cải cách hệ thống các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và giấy phép kinh doanh nói riêng trong 15 năm qua chưa đạt được kết quả tích cực như mục tiêu đã đề ra và mong muốn của cộng đồng DN và xã hội.
Nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ đã là rất lớn nhưng sẽ không đủ nếu thiếu sự quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm từ chính các bộ, ngành và cơ quan có liên quan - những cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ trong việc soạn thảo và ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Chất lượng của quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung chưa có sự cải thiện đáng kể so với trước đây.
Thực trạng quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh Luật Đầu tư đã quy định 2 danh mục loại trừ về ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm: 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, ngoài các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì còn tồn tại quy định về sản phẩm, dịch vụ cấm kinh doanh; sản phẩm, dịch vụ hạn chế kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Do đó, số lượng thực tế không phải chỉ là 7 ngành nghề cấm đầu tư và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Hơn nữa, khi nghiên cứu quy định tương ứng đối với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì đây chỉ là những ngành nghề “lớn”, trong mỗi ngành nghề “lớn” này còn có những ngành nghề “con”, với số lượng vào khoảng 589 ngành nghề, hoạt động kinh doanh.
Về chất lượng, có rất nhiều các quy định về điều kiện kinh doanh có chất lượng thấp. Những quy định đó đang tạo ra 5 nguy cơ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh, đó là: rủi ro, hạn chế cạnh tranh, hạn chế gia nhập thị trường, hạn chế sáng tạo - hình thành chuỗi và làm gia tăng chi phí kinh doanh, tác động bất lợi đến DNNVV. Chính hệ thống các quy định về giấy phép kinh doanh chất lượng thấp đã và đang trở thành rào cản hành chính lớn, giảm tính cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh của nước ta đối với các NĐT, cản trở sáng tạo và phát triển DN, làm hạn chế tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.
Chính vì vậy các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, việc cải cách quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hiện nay để nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, năng lực cạnh tranh và sáng tạo.
“Không phải bàn nhiều về việc sẽ làm gì bởi đó sẽ là việc rà soát và bãi bỏ những nội dung bất hợp lý của quy định ngành nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc 1 trong 13 ngành nghề mà điều quan trọng cần nhấn mạnh hiện nay là làm như thế nào”, một chuyên gia nhận định
Ông Phan Đức Hiếu thì cho rằng, kinh nghiệm ở nước ta cho thấy, cải cách giấy phép kinh doanh sẽ thành công nếu thực hiện theo cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống, sẽ không thành công nếu tiếp tục giao việc này cho chính các bộ, ngành và cơ quan có liên quan thực hiện.
Việc bãi bỏ khoảng 160 giấy phép kinh doanh các loại giai đoạn 2000-2003 được thực hiện trên cơ sở tham mưu và kiến nghị của Tổ Công tác thi hành Luật DN do Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực tiếp chỉ đạo, phối hợp cùng với Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cũng đã cho thấy thành công của cải cách ở nhiều nước thực hiện thông qua một cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ, ví dụ như: Ủy ban năng suất ở Úc, Cơ quan quy định pháp luật tốt ở Anh hay Cơ quan giải quy chế ở Hàn Quốc...
Do đó, nhiều ý kiến chuyên gia kiến nghị Chính phủ thành lập một cơ quan thực hiện nhiệm vụ này với 4 đặc điểm cơ bản: là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ; là cơ quan mang tính chất chuyên môn sâu, đa dạng về cải cách luật pháp. Nhiệm vụ là rà soát, phân tích, đánh giá nhằm “cắt giảm” những quy định bất hợp lý và trực tiếp, chủ trì thực hiện việc cắt giảm các quy định còn bất hợp lý.