Cần ưu tiên tăng trưởng bền vững
Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định | |
Chính sách điều hành khuyến khích người dân nắm giữ VND | |
Nhiều điểm sáng trong bức tranh tiền tệ |
NHNN đã có những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, kịp thời và phù hợp với diễn biến kinh tế, qua đó góp phần quan trọng vào ổn định lạm phát, kinh tế vĩ mô nửa đầu năm. Đây là nhận định được ông Ngô Đăng Khoa (ảnh bên), Giám đốc Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, Ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra trong trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Nếu không kể đến tác động “bất khả kháng”, như kinh tế thế giới ảm đạm, hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước… ông nhìn nhận gì về diễn biến kinh tế và điều hành chính sách vĩ mô đầu năm nay?
Kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 có dấu hiệu khả quan, cho thấy nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng và được kiểm soát tốt. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 6 đạt mức cao so với 10 tháng vừa qua. Kinh tế cải thiện nhờ số lượng đơn hàng mới gia tăng mạnh mẽ, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn chuyển biến tích cực. Cả sản xuất công nghiệp lẫn xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng.
Để giảm được lãi suất cho vay cần giảm được chi phí đầu vào |
NHNN đã có những biện pháp điều hành CSTT linh hoạt, kịp thời và phù hợp với diễn biến kinh tế, qua đó góp phần quan trọng vào ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô trong 6 tháng qua. CPI dù cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng nhìn chung tốc độ tăng vẫn tương đối thấp, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,39% và nằm trong phạm vi kiểm soát của Chính phủ. Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm ổn định tỷ giá, cung tiền… của NHNN được điều hành hợp lý đã tạo điều kiện để ổn định mặt bằng lãi suất trong suốt thời gian qua.
Đâu là những vấn đề cần lưu ý trên thị trường tiền tệ - tài chính trong những tháng còn lại của năm nay, thưa ông?
Mặc dù đã lấy lại đà tăng trưởng, nhưng nền kinh tế trong nước còn đứng trước nhiều vấn đề chưa thuận lợi. Những nguy cơ thị trường tài chính phải đối mặt bao gồm yếu tố hỗ trợ dự trữ ngoại hối chưa cao, ngành NH vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với những tồn tại cần khắc phục từ giai đoạn năm 2011, và lạm phát tuy nằm trong vòng kiểm soát nhưng đang trong xu thế tăng.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã có những điều tiết phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong nửa đầu năm. Để hỗ trợ tăng trưởng tốt trong thời gian sắp tới, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04 về một số giải pháp điều hành CSTT và hoạt động NH những tháng cuối năm 2016, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong Chỉ thị 01. Điều này vừa góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, nhưng cũng cho thấy tính nhất quán, xuyên suốt trong điều hành của NHNN.
Các nhà quản lý cũng chủ trương sử dụng linh hoạt các công cụ CSTT, điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Trong thời gian tới, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, tôi cho rằng việc duy trì CSTT và tài khóa cẩn trọng là cần thiết. Bên cạnh đó, cần tính toán mức tăng trưởng tín dụng và kiểm soát giá cả. Trong đó, việc hướng đến mục tiêu tăng trưởng tuy có thể chậm nhưng bền vững hơn là điều cần ưu tiên trong bối cảnh hiện nay.
Từ thực tiễn tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm, theo ông có những vấn đề gì cần lưu ý?
Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm vừa được NHNN công bố với mức 8,16%, cao hơn mức 7,86% cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây, nhưng vẫn nằm trong phạm vi phù hợp với chỉ tiêu định hướng 18-20% của cả năm. Con số này cũng cho thấy còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN đã có những chỉ đạo phù hợp kịp thời để đảm bảo hoạt động tín dụng hiệu quả. Từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ̉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn nhằm duy trì ổn định lãi suất huy động, giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thông tư 06 sửa đổi bổ sung quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, cũng được ban hành nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất tăng từ nay đến cuối năm. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản được dự báo sẽ diễn biến ổn định trong những tháng cuối năm.
Về phía các NH, để duy trì tăng trưởng tín dụng hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, phát hiện và phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn từ đó giảm nguy cơ phát sinh nợ xấu mới. Các NH cần có chuẩn tín dụng phù hợp và cẩn trọng trong việc quản lý, cấp tín dụng cũng như tập trung vào quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Hệ thống quản trị rủi ro với công nghệ cải tiến cùng những chuẩn mực tốt tiến đến chuẩn mực của thế giới sẽ giúp NH tăng cường chất lượng tín dụng đáng kể đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn lành mạnh cho nền kinh tế.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến muốn kéo giảm lãi suất cho vay xuống hơn nữa?
Để giảm được lãi suất cho vay cần giảm được chi phí đầu vào. Để giảm chi phí đầu vào, cần có nguồn vốn lãi suất thấp hơn để hạ bình quân giá vốn, đồng thời phải giảm được nợ xấu.
NHNN đã và đang cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động hiện tại để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng cuối năm nay. Theo báo cáo, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng khoảng 0,2 - 0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm đã duy trì ổn định, và từ tháng 4 đã từng bước được điều chỉnh giảm và dự kiến tiếp tục ổn định những tháng cuối năm.
Nhưng việc chỉ trông chờ vào vốn lãi suất thấp là chưa đủ. Để giảm lãi suất cho vay bền vững và an toàn, cần giảm được nợ xấu. NHNN đang thực hiện những biện pháp linh hoạt để thực hiện cả hai điều này, nhưng rõ ràng sẽ không thể có kết quả ngay một sớm một chiều mà cần có lộ trình và thời gian.
Nhìn lại cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN từ đầu năm đến nay, ông thấy thế nào?
Cơ chế tỷ giá trung tâm đã đáp ứng được mục tiêu ổn định tỷ giá và chống tình trạng đô-la hóa. Sau sự kiện Brexit, tỷ giá có dấu hiệu tăng lên nhưng thời điểm đó NHNN đã nhanh chóng, kịp thời đưa ra quyết sách hút bớt thanh khoản VND trên thị trường, bằng cách phát hành tín phiếu nhằm ngăn chặn những hành vi đầu cơ trên thị trường ngoại hối. Biện pháp này gần như đã ngay lập tức giúp tỷ giá giảm và trở về ổn định như thời điểm trước khi diễn ra sự kiện Brexit.
Với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới dự báo có nhiều biến động như vậy, tôi cho rằng thời gian tới đây NHNN vẫn sẽ có những biện pháp và công cụ phù hợp nhằm đảo bảo sự ổn định của tỷ giá và nằm trong tầm kiểm soát.
Xin cảm ơn ông!