Chính sách điều hành khuyến khích người dân nắm giữ VND
Nhiều điểm sáng trong bức tranh tiền tệ | |
Chính sách tiền tệ và bài toán lạm phát, tăng trưởng | |
Linh hoạt theo tín hiệu thị trường |
Bà Nguyễn Thị Hồng |
Thưa Phó Thống đốc, diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy thị trường tiền tệ ngoại hối khá ổn định, thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo. Vậy đâu là điểm mấu chốt để đạt kết quả như vậy?
Điểm mấu chốt đầu tiên là NHNN đã rất kiên định với mục tiêu điều hành thể hiện qua Chỉ thị 04 do Thống đốc NHNN ban hành vào tháng 5/2016 bám rất sát định hướng điều hành của Chỉ thị 01 ban hành từ đầu năm.
Thứ hai, các giải pháp điều hành rất linh hoạt, rất sát với tình hình thực tiễn. Chẳng hạn, khi tăng trưởng kinh tế quý I chậm lại, xét xu hướng ổn định của lạm phát cơ bản thì NHNN đã linh hoạt thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Đơn cử như cho phép các TCTD tiếp tục cho vay ngoại tệ với dự án xuất khẩu trong nước được thực hiện đến hết tháng 12/2016; hay sửa đổi Thông tư 36 với lộ trình điều chỉnh hệ số rủi ro với lĩnh vực cho vay BĐS, cũng như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có lộ trình phù hợp hơn so với dự thảo trước đó.
Trong điều hành, NHNN đã điều tiết lượng thanh khoản ở mức hợp lý, với lãi suất hợp lý để vừa ổn định lãi suất, vừa hỗ trợ cho phát hành TPCP nhưng đồng thời đảm bảo được ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Giảm lãi suất nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát là mục tiêu đối lập nhau. Vậy NHNN đã thực hiện điều hành thế nào để hài hòa các mục tiêu?
Nhiều ý kiến chuyên gia và bản thân NHNN thấy rằng, điều hành lãi suất, năm nay rất khó khăn, tuy nhiên để thực hiện chủ trương của Chính phủ phấn đấu giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho DN thì NHNN đã thông qua một số giải pháp.
Thứ nhất, trong điều hành hàng ngày, NHNN điều tiết lãi suất hợp lý để đạt được mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất và ngăn xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất đã diễn ra tại một số NH trong những tháng đầu năm. Lúc đó, giúp cho các TCTD dễ dàng tiếp cận vốn trên thị trường liên NH với mức lãi suất tương đối thấp để không phải tăng lãi suất huy động trên thị trường 1.
Thứ hai, như tôi đã đề cập ở trên, khi chỉnh sửa Thông tư 36, NHNN đã đưa ra lộ trình phù hợp hơn đối với những điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng như hệ số rủi ro với các khoản cho vay liên quan đến BĐS. Đối với lãi suất cho vay thì Thống đốc đã chỉ đạo các TCTD phải tiết kiệm chi phí hoạt động, cân đối sử dụng vốn cho hợp lý để giảm áp lực tăng lãi suất cho vay và giúp ổn định lãi suất thị trường.
NHNN điều hành chính sách theo phương châm nâng cao vị thế đồng Việt Nam |
Nhưng nếu lãi suất VND giảm tiếp sẽ gây áp lực lên tỷ giá khi mà lãi suất tiền gửi USD đã ở mức 0%/năm, thưa Phó Thống đốc?
Đúng là lãi suất VND giảm xuống thì sẽ áp lực tăng tỷ giá. Đó là diễn biến rõ trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, năm 2016 rất khác biệt khi NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới. Việc công bố tỷ giá trung tâm có lên, có xuống hàng ngày đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, chính vì vậy áp lực tăng tỷ giá khi lãi suất VND ở mức thấp đã giảm đi rất nhiều.
Trên thực tế, ở nhiều thời điểm lãi suất trên thị trường liên NH ở mức thấp và thanh khoản của hệ thống các TCTD dư thừa, nhưng tỷ giá khá ổn định. Những sự kiện như Brexit có tác động tới tăng tỷ giá, nhưng chỉ tăng nhẹ và về cơ bản tỷ giá, thị trường ngoại hối vẫn ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Vậy bình ổn tỷ giá được thực hiện thế nào khi tỷ giá đang chịu nhiều áp lực từ yếu tố bên ngoài, liên quan tới Fed sẽ tăng lãi suất hay đồng Nhân dân tệ bị phá giá?
Đúng là môi trường kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường cũng có tác động tâm lý đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thấy rằng, tỷ giá và thị trường ngoại hối rất ổn định, đó chính là nhờ khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới đã giúp giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế rất nhiều. Chính vì vậy, hệ thống các TCTD đã chuyển sang mua ròng từ nền kinh tế.
Điểm nữa cũng rất quan trọng là trong điều hành hàng ngày, NHNN đã bám sát diễn biến của thị trường, của quốc tế để công bố tỷ giá trung tâm phù hợp. Đặc biệt là kết hợp với các công cụ điều hành trên thị trường tiền tệ để có thể quyết định liều lượng hợp lý. Các quyết định chính sách này được căn cứ không chỉ trên những yếu tố về kinh tế mà còn căn cứ trên yếu tố về tâm lý, kỳ vọng của thị trường.
Thưa Phó Thống đốc, cùng với việc bình ổn tỷ giá, việc tăng dự trữ ngoại hối cũng là bài toán rất khó. Vậy lời giải cho bài toán này trong thời gian tới là gì?
Đúng là làm thế nào để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước là câu chuyện rất khó khăn. Bởi vì tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vấn đề sẵn sàng can thiệp thị trường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, phục vụ cho mục đích về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Trên thực tế, bằng các giải pháp điều hành của NHNN theo phương châm nâng cao vị thế Đồng Việt Nam, tất cả các giải pháp điều hành kết hợp các công cụ CSTT đều hướng tới khuyến khích người dân nắm giữ VND và giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ.
Chính vì vậy, khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới thì tâm lý găm giữ ngoại tệ được giải tỏa và NHNN có điều kiện mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Khi mua ngoại tệ thì đồng nghĩa với việc đưa VND ra nền kinh tế, nhưng bằng các giải pháp công cụ của mình, NHNN đã hút tiền về điều tiết phù hợp, sao cho tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu của CSTT đã đề ra.
NHNN đã và đang làm gì để hỗ trợ chính sách tài khóa (CSTK) trong việc cân đối ngân sách?
Trong 6 tháng đầu năm 2016, để thực hiện chủ trương của Chính phủ, CSTT phối kết hợp chặt chẽ để hỗ trợ cho phát hành TPCP theo mục tiêu đề ra. Trên thực tế, NHNN cũng đã điều tiết lượng vốn khả dụng dư thừa ở mức hợp lý, để tạo điều kiện cho các TCTD có nguồn vốn đầu tư vào TPCP.
Việc điều hành ổn định mặt bằng lãi suất cũng giúp cho việc phát hành TPCP với lãi suất thấp, kỳ hạn dài hơn và trên thực tế thì sự phối hợp đó thể hiện hàng ngày. Ví dụ, những ngày có phiên phát hành TPCP thì NHNN không phát hành tín phiếu hoặc phát hành khối lượng ít hơn để hài hòa mục tiêu CSTT và CSTK.
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra thì điều hành chính sách tín dụng của NHNN được thực hiện thế nào, thưa Phó Thống đốc?
Điều hành chính sách tín dụng cũng là một trọng tâm của NHNN trong 6 tháng đầu năm. Từ trước tới nay, NHNN vẫn luôn quán triệt phương châm mở rộng tín dụng để phục vụ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đi đôi với an toàn, hiệu quả. Chính vì thế, các giải pháp của NHNN đều hướng tới tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực theo ưu tiên của Chính phủ.
Trong quá trình điều hành NHNN cũng theo dõi sát tăng trưởng tín dụng (TTTD) của toàn hệ thống cũng như từng TCTD và có cảnh báo kịp thời với những lĩnh vực tín dụng rủi ro như tín dụng BĐS hoặc cơ cấu tín dụng vào tín dụng trung và dài hạn. Đảm bảo mở rộng tín dụng nhưng vẫn hiệu quả và đảm bảo an toàn của hệ thống.
Đến cuối tháng 6/2016, TTTD đã đạt 8,16%, mức tăng này cao hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái và khá phù hợp với chỉ tiêu định hướng của năm 2016 đã đề ra từ đầu năm. Từ nay đến cuối năm NHNN cũng sẽ điều hành các giải pháp TTTD đạt định hướng từ 18 - 20% trong năm 2016.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!