Cảnh báo nguy cơ độc quyền nhóm
6 tháng 5 lần tăng, giá xăng Việt Nam hiện cao hơn ở Mỹ gần 4.000 đồng/lít. Dù rằng người tiêu dùng đã quen với việc giá xăng dầu tăng “theo tín hiệu thị trường” và mong có được giá thị trường thực sự, nhưng họ không thể chấp nhận giá xăng cao hơn Mỹ. Các DN sản xuất, vận tải bức xúc, người tiêu dùng bấm bụng chi thêm tiền, còn các chuyên gia kinh tế - cho dù họ luôn cổ vũ cho việc áp cơ chế giá thị trường – cũng khó chấp nhận bởi luôn có cảm nhận thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự.
Ảnh minh họa
Cho dù hiện có 17 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, nhưng riêng Petrolimex đã chiếm hơn 50% thị phần. Và cứ mỗi khi Petrolimex tăng giá bán là các DN khác tăng theo với mức tăng tương đương nhau. Những biểu hiện này trên thị trường xăng dầu dễ tạo ra cho người tiêu dùng cảm nhận đang có sự độc quyền nhóm. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nếu vẫn còn tình trạng độc quyền và chi phối thị trường như hiện nay thì sẽ không có giá thị trường nếu như không có cơ cấu thị trường.
Vấn đề tương tự đang diễn ra ở ngành viễn thông. Biểu hiện rõ nhất là các DN cũng đồng loạt tăng giá cước 3G. Các chuyên gia cho rằng, đây là dấu hiệu của sự độc quyền nhóm, vi phạm Luật Cạnh tranh. Dù hiện tại còn 7 DN cung cấp dịch vụ viễn thông thì thị phần lớn vẫn thuộc về 3 DN có vốn Nhà nước là Viettel, Vinaphone và MobiFone.
Với cả 2 loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt là xăng dầu và viễn thông, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có sự lựa chọn loanh quanh trong ngần ấy nhà cung cấp là chính. Và khi người tiêu dùng không có sự lựa chọn thay thế, thị trường không còn tính cạnh tranh.
Nguy cơ độc quyền nhóm đang được cảnh báo đi kèm những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Đây là vấn đề đã được TS. Nguyễn Quốc Việt (trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng như chuyên viên Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đề cập.
Nhóm nghiên cứu này cho rằng, về nguyên tắc không nên có nhiều DN cùng một chủ sở hữu cạnh tranh với nhau. Với thực trạng 95% thị phần viễn thông thuộc DN có vốn Nhà nước đang tạo nên nhóm độc quyền và sự cạnh tranh không lành mạnh. Khi không có một thị trường cạnh tranh thực sự “là một trở ngại to lớn đối với các DN nhỏ và cản trở sự hấp dẫn các NĐT nước ngoài”, theo ông Việt. Việc Beeline, Sfone – những DN có vốn nước ngoài rút khỏi Việt Nam lại thêm sự sáp nhập EVN Telecom vào Viettel – cho dù là giải pháp để tái cơ cấu – nhưng cũng lại là dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng độc quyền trở lại, cạnh tranh đi xuống.
Nguy cơ được cảnh báo này lại càng làm cho người tiêu dùng tăng thêm nỗi lo khi nhìn vào bản đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015. Khi tách MobiFone ra khỏi VNPT, nhưng DN chia tách trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và do Bộ là người đại diện phần vốn Nhà nước ở cả 2 DN. Như vậy, có nguy cơ lợi ích cục bộ vẫn thao túng?
Ngọc Linh