Cấp bách nối lại bảo hiểm tàu cá
Không để "tàu 67" không ra khơi được vì vướng mắc về bảo hiểm | |
Xuất hiện những nút thắt cho vay thủy sản | |
Để đội tàu “sáu bảy” khai thác hiệu quả |
Theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ (NĐ67), các tàu cá vay vốn để đóng mới, nâng cấp sẽ được ngân sách hỗ trợ từ 70-90% chi phí mua bảo hiểm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, do 4 DN bảo hiểm (được Bộ Tài chính chỉ định thực hiện chính sách này) tạm ngưng cấp bán bảo hiểm, khiến hàng loạt tàu cá ở nhiều địa phương phải “trùm mền” không ra khơi được.
Phí bảo hiểm tăng 10-15 lần
Trở về từ Nam Định sau chuyến thăm chiếc tàu vỏ thép của gia đình mình hiện vẫn đang phải nằm tại cảng của Nhà máy Thịnh Long, ông Châu Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, 6 tháng vừa qua, chiếc tàu cá công suất 1.646CV, đóng mới bằng vốn vay theo NĐ67 của gia đình ông mặc dù đã hạ thủy nhưng chưa thể đi biển bởi chưa mua được bảo hiểm.
Để đóng mới chiếc tàu trên, gia đình ông Nhỏ đã vay 33 triệu đồng từ Agribank Châu Đức. Tuy nhiên, do Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu thông báo tạm ngưng bán bảo hiểm theo NĐ67 nên ông chưa thể hoàn tất được thủ tục để đưa tàu của mình ra khơi.
Nhiều tàu cá đã hạ thủy chờ bảo hiểm để ra khơi |
Theo tính toán của ông Nhỏ, việc DN ngưng bán bảo hiểm trong các tháng vừa qua đã khiến gia đình ông thiệt hại lớn. Chỉ tính riêng tiền trả lương cho 13 lao động đã được tuyển dụng cho chuyến mở biển, mỗi tháng gia đình ông đã phải chi ra khoảng 100 triệu đồng (trung bình 8-15 triệu đồng/lao động/tháng). Chưa kể, hiện gia đình ông phải cắt cử 6 người trông coi tàu tại cảng của nhà máy, trong khi đó tiền lãi hàng tháng vẫn phải trả cho NH nên tổng số tiền chi ra mỗi tháng lên tới vài trăm triệu đồng.
Ông Nhỏ cho hay, nếu mua được bảo hiểm tàu cá theo NĐ67, chi phí bảo hiểm tàu của ông chỉ hết khoảng 30 triệu đồng/năm. Nhưng nếu phải mua theo gói bảo hiểm thông thường thì chi phí sẽ đội lên mức 300 triệu đồng/năm. Với mức giá này, nếu đi biển không may mắn và giá cả hải sản có biến động thì không thể bù đắp chi phí bỏ ra cho mỗi chuyến đi.
Câu chuyện của ông Nhỏ đang là thực tế chung của hàng trăm ngư dân ở 28 tỉnh, thành ven biển, bởi từ cuối năm 2016 các DN bảo hiểm được Bộ Tài chính chỉ định đã đồng loạt tạm ngưng bán mới bảo hiểm cho ngư dân, do thời hạn chính sách này hết hạn vào 31/12/2016.
Quan sát cho thấy, cuối tháng 12/2016 mặc dù Chính phủ đã thống nhất kéo dài thời hạn của NĐ67 đến hết năm 2017, tuy nhiên, trong hơn 4 tháng qua Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn mới đối với 4 DN bảo hiểm được chỉ định thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá. Để tạm thời duy trì hoạt động đánh bắt, hiện nay nhiều ngư dân, chủ tàu chủ động mua bảo hiểm ngắn hạn (3 tháng) theo giá thị trường hoặc quay sang làm thủ tục hưởng ưu đãi bảo hiểm theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, dù mua được bảo hiểm theo Quyết định 48 thì giá mua bảo hiểm cho tàu cá cũng vẫn cao hơn 20-40% so với giá ưu đãi của NĐ67. Chưa kể rằng Quyết định 48 chỉ hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm cho các tàu công suất lớn trên 400CV. Vì vậy hiện nay, hàng trăm tàu cá vỏ gỗ cỡ nhỏ 90-400CV đóng mới theo Nghị định 67 đang bắt buộc phải mua bảo hiểm theo giá thị trường với chi phí đắt hơn từ 10-15 lần so với chi phí ưu đãi nếu được ngân sách hỗ trợ 70%.
Băn khoăn câu hỏi độc quyền
Ngoài câu chuyện ngư dân thiệt hại do các DN bảo hiểm tạm ngưng chính sách hỗ trợ chi phí bảo hiểm như trên, hiện nay nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi liệu có sự độc quyền trong việc cung cấp bảo hiểm tàu cá theo NĐ67 hay không? Bởi hiện nay Bộ Tài chính chỉ quy định 4 DN (Bảo Việt, Bảo Minh, Petrolimex và PVI) được phép nhận tiền từ ngân sách để thực hiện chính sách này. Trong khi đó, nhiều DN bảo hiểm khác, kể cả các DN bảo hiểm trực thuộc chính các NHTM đã cho ngư dân vay vốn cũng không được ngân sách cấp bù để tham gia hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho ngư dân theo hình thức khép kín để tiết giảm chi phí.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng sở dĩ chọn 4 DN nêu trên là vì các DN này đáp ứng được các tiêu chí như: có năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu trên 800 tỷ đồng, tài sản trên 2.000 tỷ đồng); có quản trị tốt (đảm bảo các quy trình khai thác, giám định, bồi thường...); và có mạng lưới rộng khắp.
Tuy nhiên, giải thích này khó thuyết phục được dư luận, bởi thực tế sau 2 năm các DN bảo hiểm nói trên thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, tỷ lệ tàu cá và thuyền viên được mua bảo hiểm vẫn ở mức khá thấp (33,6% và 27,8%). Về phía ngư dân nếu muốn hưởng mức phí bảo hiểm ưu đãi, hiện nay bắt buộc phải mua bảo hiểm của một trong 4 DN được Bộ Tài chính chỉ định. Trong khi đó, nếu mua trực tiếp từ các DN bảo hiểm của các NHTM đã cho vay vốn thì thủ tục sẽ đơn giản hơn vì các NH trước đó đã thẩm định để cho vay đóng tàu.
Đồng tình với quan điểm trên của Bộ Tài chính nhưng ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, nếu Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách này thì có thể nghiên cứu ban hành một Nghị định riêng quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Khi đó có thể mở rộng danh sách các DN bảo hiểm đáp ứng được các yêu cầu về tài chính cũng như quy mô để cho phép tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí bảo hiểm nhằm tạo điều kiện cho chủ tàu, ngư dân có nhiều chọn lựa.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn ngay Nhận thức được những vướng mắc liên quan đến hoạt động cấp bán bảo hiểm tàu cá, trong suốt các tháng đầu năm 2017, hàng loạt các Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố ven biển đã kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng hướng dẫn các DN bảo hiểm tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ chi phí bảo hiểm theo NĐ67. Ngày 24/3, NHNN đã tổng hợp ý kiến từ các địa phương và có văn bản (Công văn số 1992/NHNN-TD) trực tiếp gửi Chính phủ nhằm phản ánh những vướng mắc cụ thể khi tiếp tục triển khai NĐ67 trong năm 2017. Tiếp nhận công văn trên của NHNN, mới đây (ngày 7/4) Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chính thức chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến phản ánh của NHNN, nếu đúng như các phản ánh của ngành Ngân hàng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo NĐ67, không để các tàu cá được đóng mới, nâng cấp theo NĐ67 không ra khơi được vì vướng mắc về bảo hiểm. |