Cấp thiết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn | |
Phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn |
Nóng vấn nạn an toàn thực phẩm
Trong 7 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã lấy 302 mẫu nông lâm thủy sản để kiểm nghiệm, gồm 36 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gà, 44 mẫu thủy sản, 87 mẫu rau, 48 mẫu quả, 12 mẫu chè, 28 mẫu gạo, 17 mẫu thực phẩm chế biến.
Trong đó, 255 mẫu đã có kết quả, phát hiện 17 mẫu vi phạm chiếm 6,67%. Các mẫu này đã được Chi cục Hà Nội thông báo kịp thời tới các cơ sở, các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở và có giải pháp khắc phục, quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng, ATTP cung cấp cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn |
Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại 70.258 lượt cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã phạt tiền 4.801 cơ sở vi phạm VSATTP với số tiền phạt là 17.302.424.000 đồng, hủy sản phẩm của 65 cơ sở.
Trong đó, kiểm tra về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tại 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện 42 cơ sở vi phạm, lý do vi phạm chủ yếu là con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; người sản xuất, kinh doanh không có giấy khám sức khỏe, xác nhận kiến thức; không đảm bảo điều kiện bảo quản, vận chuyển… phạt tổng số tiền trên 400 triệu đồng.
Ngoài ra Trạm Thú y của 30 quận, huyện phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra trên 3 lĩnh vực: phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y thông qua công tác kiểm tra tại 8.296 lượt cơ sở, cũng đã xử lý 617 trường hợp vi phạm với số tiền trên 666 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra cũng đã buộc phải tiêu hủy hơn 4 tấn sản phẩm nông lâm thủy sản; yêu cầu khắc phục hơn 1.150 kg sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm qua vấn nạn thực phẩm bẩn đang hàng ngày hàng giờ đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Thống kê cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 175 nghìn người chết vì ung thư, trong đó không ít trường hợp bởi thực phẩm bẩn. Những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… là “điểm nóng” mất VSATTP, cần phải có những biện pháp quản lý và kiểm tra thường xuyên.
Liên kết là xu hướng tất yếu
Trước thực tế này, phát triển thực phẩm truy xuất nguồn gốc và phát triển chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết giá trị đang là xu thế tất yếu.
Một ví dụ điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF) đã xây dựng mô hình chuỗi khép kín, trong đó DN làm trọng tâm, làm đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.
Với quy mô 2.500 điểm bán trên toàn quốc, gạo Bảo Minh đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu đối với người tiêu dùng nhờ vào năng lực cung cấp hàng hóa, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giá cả cạnh tranh. Đại diện Công ty cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho biết, DN cung cấp sản phẩm đạt chất lượng từ đồng ruộng tới bàn ăn là định hướng chiến lược của công ty.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ nông sản an toàn cũng như phát triển nông nghiệp một cách bền vững, hơn 3 năm qua, Hà Nội đã triển khai Đề án phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn. Đến nay đã có 21 tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho Hà Nội.
Riêng thành phố Hà Nội đã duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, Sở cũng đã hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm an toàn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, kết nối cung - cầu nông sản an toàn được coi là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Hiện, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại... Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận.
Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chuyên môn cho thấy, một lượng lớn các sản phẩm nông sản được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối, sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể, trong đó lượng sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%.
Để xây dựng được các chuỗi nông sản an toàn, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ những khó khăn vướng mắc để kết nối được các chuỗi. Các cơ quan của Bộ, Sở Nông nghiệp ở các địa phương phải nỗ lực tham gia giúp DN và những người sản xuất an toàn.
Ông Tạ Văn Tường - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh thành sẽ phối hợp, định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội, Hà Nội đi các tỉnh và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các tỉnh, thành khi có những vấn đề về VSATTP. Các địa phương sẽ tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất lượng, VSATTP nông, lâm, thủy sản.
Đặc biệt, sẽ tăng cường phối hợp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp thông qua các hoạt động như tham gia hội chợ. Tổ chức các chương trình đoàn hợp tác giữa các tỉnh thành phố nhằm trao đổi nhu cầu hợp tác và kết nối đầu tư sản xuất và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Tập trung triển khai chương trình minh bạch thông tin điện tử cho các dòng sản phẩm nông sản an toàn và cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh và Hà Nội.