Cây công nghiệp trên Tây Nguyên: Cần có chiến lược phát triển bền vững
Đừng bỏ mặc nông dân | |
Trả giá từ việc phát triển nóng |
Làm sao phát triển nông nghiệp đúng hướng; quy mô, diện tích từng loại cây trồng ở khu vực Tây Nguyên như thế nào, luôn là đề tài nóng tại các diễn đàn kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, đây cũng là vấn đề được các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân quan tâm. Trong đó, quy hoạch vùng sản xuất gắn với từng tiểu vùng khí hậu được nhiều người đề cập.
Các chuyên gia cho rằng, các địa phương Tây Nguyên cần có chiến lược phát triển bền vững |
Thực tế là hiện các địa phương ở Tây Nguyên hoặc chưa có quy hoạch riêng về phát triển cho từng loại cây trồng, hoặc mất kiểm soát trong phát triển diện tích cây trồng… dẫn đến sự phát triển không bền vững trong sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nông dân.
Chính nguyên nhân này, tại khu vực Tây Nguyên vẫn luôn hiện hữu điệp khúc “trồng – chặt” hay là “được mùa – mất giá”.
Trở lại câu chuyện đầu tư, vào những năm 2005-2010, hàng loạt người dân ở khu vực này ào ạt chặt phá các loạt cây trồng hiện có để chạy theo giấc mơ “vàng trắng”. Hàng ngàn hecta cây trồng như điều, cà phê và nhiều lại cây trồng ngắn ngày khác bị người dân chặt phá không thương tiếc để trồng cây cao su. Giá mủ cao su thời điểm đó đang ở mức kịch trần. Với một hecta cao su kinh doanh tại thời điểm đó, người người trồng có thể lãi từ 4-5 triệu đồng/ha/ngày, sau khi trừ hết các chi phí.
Tuy nhiên, không lâu sau, từ cuối năm 2011 đến nay, giá cao su liên tục lao dốc và hiện đang xuất khẩu ở mức 1.432 USD/tấn. Bình quân 6 tháng đầu năm 2018, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017 do giá thế giới giảm.
Trước thực tế này, hàng loạt người dân tại các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum một lần nữa bán thanh lý vườn cây, chặt phá để chuyển đổi cây trồng.
Tương tự, trong 4 năm gần đây, Tây Nguyên phát triển nóng hàng chục ngàn hecta hồ tiêu. Vào thời điểm năm 2015 -2016, đi bất cứ nơi đâu ở Tây Nguyên cũng nghe nói về câu chuyện trồng tiêu, người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu. Nhiều hộ gia đình không có đất phù hợp thổ nhưỡng vẫn phá đi những loại cây đang trồng phát triển tốt để trồng tiêu. Việc bất chấp những khuyến cáo và định hướng của chính quyền địa phương đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tại các địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn như Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông… giờ có thể thấy hầu hết các vườn tiêu đều có chung tình trạng không tươi tốt, um tùm như những năm trước. Theo nhiều người có kinh nghiệm trồng tiêu, đó là do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây tiêu.
Thậm chí, nhiều vườn tiêu tại Tây Nguyên bị nhiễm bệnh và lây lan trên diện rộng. Chỉ tính riêng huyện Chư Sê (Gia Lai)-nơi được mệnh danh “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước, đã có diện tích trồng khoảng 3.000ha, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 8.000 tấn hồ tiêu. Song các niên vụ gần đây, diện tích trồng thì liên tục tăng lên nhưng sản lượng thu hoạch lại èo uột.
Đi cùng với đó, giá hồ tiêu bắt đầu lao dốc từ hơn 2 năm trở lại đây. Cùng với việc giảm năng suất, điều này đã đẩy người nông dân vào cảnh lao đao. Việc đầu tư sản xuất nông nghiệp không có định hướng, và điệp khúc “trồng – chặt” đã lặp đi lặp lại khiến người nông dân không lối thoát.
Hiện nay, diện tích cây công nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên chủ yếu do người dân trồng tự phát, kiểm nghiệm qua thực tiễn, chứ chưa có một công trình khoa học nghiên cứu bài bản về mọi mặt. Chính vì vậy, ít có khả năng làm chủ về giá đối với các loại cây công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, các địa phương Tây Nguyên cần có chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.