Cây điều trước áp lực suy giảm
DN tư nhân Doãn Đức (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) đang vào vụ thu mua, sơ chế điều nhân thô để xuất đi một số nhà máy chế biến điều xuất khẩu. Trung bình, DN này sơ chế được khoảng 1,5 - 2 nghìn tấn điều nhân thô, mỗi năm quay vòng thành 3, 4 đợt.
Chỉ với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, ngành Điều khó có thể đi theo hướng chuyên sâu
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, để đảm bảo sản xuất đủ đáp ứng nguồn hàng theo yêu cầu của các nhà máy chế biến xuất khẩu, DN Doãn Đức đang phải nhập một khối lượng điều không nhỏ có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia.
Lý do là nguồn cung tại chỗ không thể đáp ứng được năng suất chế biến. Nằm giữa thủ phủ của cây điều, rất nhiều cơ sở, nhà máy sơ chế, chế biến như Doãn Đức vẫn phải nhập điều từ một số quốc gia trồng điều khác. Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc Agribank chi nhánh thị xã Phước Long cho biết, đây là thực trạng không riêng gì trên địa bàn Phước Long.
Các khoản vay phục vụ nông nghiệp tại chi nhánh chủ yếu là vốn vay lưu động, DN dùng để nhập hàng về phục vụ sơ chế khi đã có hợp đồng bao tiêu sẵn. Các khoản vay phần nhiều đều có số dư không cao. Tính đến tháng 4/2014, tổng dư nợ tại chi nhánh là 1.007 tỷ đồng/4 nghìn khách hàng. Trong đó, chủ yếu là cho vay phục vụ chế biến tiêu thụ nông, lâm sản (chiếm 45,13%).
Dù vậy, việc phát triển diện tích trồng điều lại không dễ. Thực tế dư nợ cho vay để đầu tư mua đất, mở rộng diện tích trồng điều cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng vườn điều rất ít. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, trước đây trong số các cây nông nghiệp dài ngày trên địa bàn, điều vẫn chiếm diện tích chủ đạo với 12 nghìn héc ta.
Nhưng thời gian gần đây, việc duy trì diện tích và sản lượng trồng điều gặp một số khó khăn do người dân tự động chuyển đổi qua một số cây trồng cho lợi nhuận cao hơn như: cao su, hồ tiêu, ca cao…
Trong khoảng 100 DN sản xuất, chế biến điều trên địa bàn Bình Phước hiện nay, phần lớn đều là các nhà máy, cơ sở có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế nên việc thu mua, dự trữ nhằm nâng tính ổn định cho cây trồng này vẫn còn nhiều khó khăn. Không yên tâm về đầu ra, người nông dân trồng điều khó có thể gắn bó được với cây trồng này.
Với họ, việc thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa vẫn xảy ra làm nản lòng người trồng điều.
Không riêng gì tỉnh Bình Phước, cây điều ở một số tỉnh, thành phố khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Chính ngay từ đầu nguồn, người nông dân trồng trọt đã không mặn mà, DN thu mua chế biến cũng mải chạy theo lợi nhuận nên ngành điều đang có nguy cơ dần bị thu hẹp.
Theo số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), sản lượng và kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam trong vài tháng trở lại đây đang có xu hướng giảm liên tục.
Chính điều này khiến cho Vinacas đang lo ngại về tình trạng phải nhập điều để chế biến xuất khẩu bởi dự báo vụ điều năm nay, sản lượng trong nước sẽ vào khoảng hơn 350 nghìn tấn, mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu chế biến và xuất khẩu.
Như vậy, để đạt được kim ngạch kỳ vọng một nghìn tấn hạt điều xuất khẩu thì Việt Nam sẽ phải nhập hơn 600 nghìn tấn điều từ một số nước như Campuchia, Lào, Indonesia và các quốc gia châu Phi khác.
Bài và ảnh Tuyết Thanh