Cay ứa nước mắt
Đắng lòng với rau xanh | |
Giải bài toán “được mùa, mất giá” |
Vụ Đông Xuân 2017- 2018, nông dân địa phương các tỉnh duyên hải miền Trung đã trồng hàng ngàn hecta ớt, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam... Hiện đang vào mùa thu hoạch chính vụ, song giá ớt tươi chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, giảm 4 lần so với năm trước.
Nhiều diện tích ớt của nông dân, nguy cơ không có đầu ra |
Tính ra, tiền bán ớt chỉ đủ bù tiền công hái, chưa kể đến công chăm sóc, chi phí mua giống, phân bón. Trước thực trạng giá ớt xuống thấp như hiện nay, người nông dân đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng nề.
Đơn cử ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn (Bình Định), nông dân ở đây trồng hơn 40ha ớt, tăng gần gấp 2 lần so năm trước. Theo UBND xã, mặc dù giá bấp bênh, thế nhưng so với trồng lúa nước, cây ớt vẫn mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Vì vậy, không chỉ có đất bãi bồi ven sông, cả những diện tích đất bạc màu, đất dự phòng nhưng chủ động được nước tưới, nông dân trong xã cũng đấu giá thuê, thậm chí bà con còn cải tạo vườn tạp để trồng ớt…
Ông Ngô Văn Hải, một nông dân có thâm niên trồng ớt của xã Bình Hòa cho hay, năm ngoái ớt có giá cao, các nông hộ trồng ớt lãi trên dưới 400 triệu đồng/ha. Chính vì thế, năm nay nhiều nông hộ thuê đất của xã tiếp tục trồng ớt, giá ớt đầu vụ 20.000 đồng/kg khiến người dân vui mừng. Thế nhưng vào chính vụ, giá ớt rớt thê thảm.
Theo ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, không riêng gì ở đây, mà nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh Bình Định cũng đều tăng diện tích trồng ớt, dẫn đến việc khủng hoảng thừa, nên giá ớt rớt nhanh so với đầu vụ.
Không riêng nông dân Bình Định, nhiều huyện ven sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam, cái nôi trồng ớt của khu vực miền Trung như huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP. Hội An cũng rơi vào tình trạng tương tự, thương lái từ chối nhập hàng.
Để tìm hiểu câu chuyện, phóng viên đã đảo quanh một vòng các xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang và Điện Minh của thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), đâu đâu người nông dân cũng rất lo cho đầu ra của ớt xanh. Một lão nông xã Điện Minh cho hay, vùng bãi bồi ven sông Thu Bồn là vựa ớt từ bao đời nay.
Vụ Đông Xuân là vụ chính của cây ớt, những năm trước thời điểm này bán rất chạy, giá dao động khoảng 15 -20 ngàn đồng/kg. Thế nhưng không hiểu sao, năm nay ớt xanh không bán được, thậm chí có hôm không có thương lái đến mua. Nhiều người dân phải mang ra chợ, nhưng cũng ế ẩm, tiền bán không đủ tiền công thuê người thu hoạch.
Theo phân tích của các hộ dân trồng ớt ven sông Thu Bồn, với giá ớt tươi ở mức 5 nghìn đồng/kg thì mới hòa vốn.
Tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), chính quyền đã có quy hoạch một vùng chuyên canh cây hoa màu từ nhiều năm trước. Trong đó, riêng đối với cây ớt, được trồng khoảng trên 20ha. Những năm trước, người dân trồng ớt trong vùng quy hoạch có mức lãi tầm khoảng 300-400 triệu đồng/ha, nếu mức giá dao động trên 15 ngàn đồng/kg. Thế nhưng năm nay, các nông hộ đang đối mặt với việc thua lỗ vì ớt. Vì hiện, thương lái không tiếp tục thu mua nữa. Người nông dân đang rất khó khăn cho đầu ra của cả mặt hàng ớt xanh và ớt chín đỏ.
Theo ông Ngô Văn Phi, Giám đốc HTX Đại Minh, HTX nỗ lực thu mua cho nông dân, với giá 7 nghìn đồng/kg ớt tươi chín đỏ, thế nhưng cũng chỉ giải quyết được khoảng 4 tấn ớt tươi cho nông dân. Hiện HTX đang nỗ lực tìm biện pháp để hỗ trợ đầu ra cho vùng chuyên canh và đã liên hệ với Công ty Việt Thắng, đơn vị này hứa sẽ tới thu mua cho người nông dân.
Tìm hiểu nguyên nhân câu chuyện này thì được một số tiểu thương chuyên thu mua hàng nông sản xuất đi Trung Quốc cho biết là do năm nay, thương lái Trung Quốc bỗng ngưng nhập mặt hàng ớt tươi, ớt trái. Đầu vụ, cả chục xe tải ớt xuất khẩu sang Trung Quốc đã ùn lại tại cửa khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính quyền các địa phương chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu rõ ràng; cùng với đó là việc trồng tự phát của người nông dân. Chính hai yếu tố này đã dẫn đến rủi ro. Để khắc phục, không còn cách nào khác là phải quy hoạch lại. Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp các địa phương cần có định hướng và cơ cấu quy mô diện tích trồng từng loại nông sản. Đồng thời, các ngành chức năng cần có dự báo về giá của các loại nông sản, giúp nông dân có cái nhìn tổng quan về thị trường để tránh điệp khúc được mùa mất giá.