Chặn thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa
Để đảm bảo thu cho ngân sách Nhà nước | |
Tái cơ cấu DNNN và CPH: Cần thay đổi tư duy tiếp cận | |
Định giá đúng để tránh mất vốn nhà nước |
“Nghi án” Vivaso lợi dụng cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam để “ôm” mấy mảnh đất vàng sau này sẽ biến thành chung cư, siêu thị đã cho thấy kẽ hở trong quá trình quản lý đất đai, định giá DN khi CPH làm thất thoát tài sản nhà nước. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cũng cho thấy nhiều trường hợp định giá DN còn bất cập, không phản ánh đúng giá trị DN…
Kẽ hở quản lý CPH
Trước đây vài tháng, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016 có 60 trường hợp DNNN, DNNN cổ phần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều trường hợp đã không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN, việc xác định giá đất chưa sát với giá thị trường, chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định. Bộ đã kiến nghị thanh tra các trường hợp này và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý.
Hãng phim truyện Việt Nam |
Trở lại với vụ việc ở Hãng phim truyện Việt Nam, khi CPH, hãng đang quản lý và sử dụng 4 khu đất vàng: 5500m2 ở số 4 Thụy Khuê, 905m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám, 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội và 1.200m2 tại Thái Văn Lung, TP. HCM. Giá trị đất không được tính vào giá trị DN và hãng phim đã được định giá 51.000 tỷ đồng. Trước những nghi ngờ người mua hãng phim chỉ để ôm đất rồi biến thành chung cư, cao ốc…
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương cho rằng hãng phim được sử dụng những mảnh đất này để làm phim, phục vụ hoạt động làm phim, sau CPH cũng phải dùng cho mục đích sản xuất phim. Nếu trên những diện tích đất này xây chung cư, trung tâm thương mại… thì sẽ mang lại khoản địa tô khổng lồ. Nếu sử dụng đất này ngoài mục đích của hãng phim là sai mục đích sử dụng và nếu muốn chuyển mục đích sử đụng đất phải được cơ quan quản lý nhà nước về đất cho phép và giá trị đất đai phải được định giá lại.
“Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN CPH - vấn đề được quan tâm nhất trong thời gian qua”, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính nói.
Để khắc phục những bất cập trong việc xác định giá trị DN, tính giá trị đất trong quá trình CPH làm thất thoát tài sản nhà nước, ông Tiến cho biết Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định mới về CPH thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP. Khi CPH, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố, DN CPH có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Đất mà DN sử dụng phải được sử dụng phục vụ cho ngành nghề chính của DN.
Các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao như trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam, phải xây dựng phương án sử dụng đất trước khi xác định giá trị DN. Phương án này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương. Nếu sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch thì phải thu hồi.
Giá trị DN cần được kiểm toán lại
Để ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý, trong dự thảo có viết: Những diện tích đất mà DN CPH được tiếp tục sử dụng theo hình thức đất giao (chỉ áp dụng khi DN sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê) thì đều phải xác định lại giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH. Giá đất phải sát với giá thị trường. Nếu là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm cũng phải xác định lại là giá đất cụ thể sát với giá thị trường và nộp tiền thuê đất như các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.
Về việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để CPH nếu DN lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì tính theo giá đất phổ biến trên thị trường. Khi quyết định giá đất cụ thể để cho thuê đối với đất có khả năng sinh lời đặc biệt, có lợi thế mặt bằng thì DN phải tính và nộp tiền thuê đất cho nhà nước theo đơn giá thuê đất tăng theo tỷ lệ tối đa không quá 3% của giá đất tính thu tiền thuê đất do UBND cấp tỉnh quyết định. “Như vậy, đất thuê có lợi thế vị trí địa lý thì giá trị lợi thế đã tính ngay vào bảng giá đất và đơn giá thuê đất mà DN phải nộp nhà nước theo quyết định của địa phương”, ông Tiến cho biết.
Không chỉ đất vàng không được tính, mà giá trị thương hiệu của hãng phim cũng được định giá 0 đồng. Vấn đề của hãng phim, được ông Tiến cho rằng “Những vấn đề này, các công ty tư vấn phải có nhiệm vụ tư vấn cho DN CPH”. Theo ông Tiến, các DN đặc thù như sở hữu trí tuệ hay hãng phim truyện hay công nghệ sinh học... tuy ở thời điểm CPH có thể thua lỗ, sản phẩm không bán được nhưng lại có tiềm năng phát triển trong tương lai thì không thể chỉ sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền để xác định giá trị DN. Về việc xác định giá trị thương hiệu, lịch sử của DN, đại diện Bộ Tài chính cho rằng “DN phải thuê công ty tư vấn đủ trình độ”.
Dự thảo nghị định đã đưa ra 5 phương pháp xác định giá trị DN và cũng có quy định về tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi DN. Do đối tượng CPH trong thời gian tới là các DN có quy mô lớn và hoạt động trong những ngành, lĩnh vực đặc thù nên dự thảo nghị định đã bổ sung thêm nội dung Kiểm toán nhà nước để kiểm toán lại kết quả xác định giá trị DN và xử lý các tồn tại về tài chính.
Ông Tiến kỳ vọng với những đổi mới căn bản trong dự thảo nghị định, nếu được Chính phủ cho ban hành “sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nói chung và chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành CTCP nói riêng trong thời gian tới có hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại DN”.