Chìa khóa tăng trưởng nằm ở khu vực tư nhân
Những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì tạo điều kiện cho tư nhân làm | |
Để kinh tế tư nhân sáng tạo không giới hạn | |
Chưa đổi mới thực sự DNNN thì DN tư nhân chưa lớn được |
Ảnh minh họa |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “chìa khóa tăng trưởng nằm ở khu vực tư nhân” khi ông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức tuần qua.
Trước 1.000 DN tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn”.
Nhưng Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50-60% GDP.
Số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm có 72.953 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 690.738 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước số DN tăng 13,8%, số vốn đăng ký tăng 39%. Đặc biệt đã có 17.549 DN trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, nay đã trở lại hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào con số này có thể thấy hệ thống DN, trong đó cộng đồng DN tư nhân ngày càng lớn mạnh. Nếu họ tiếp tục nỗ lực thì sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng GDP.
Nhưng ngẫm từ chỉ đạo trên của Thủ tướng về việc “tư nhân phải bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực” lại nghĩ tới chia sẻ của một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Vị này cho rằng, mặc dù số lượng DN ngày một tăng, nhưng không có lực lượng DN. Lực lượng DN là một cấu trúc lớn, còn DN tư nhân của chúng ta thì nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tư vấn. Nếu không có “trục” lớn là các tập đoàn, DN tư nhân lớn để kết nối DN lại với nhau, tạo chuỗi sản xuất thì không mang lại giá trị gia tăng, đóng góp cho nền kinh tế sẽ vẫn ở mức thấp.
Với các NHTM khi triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ DN cũng chung đánh giá: khi tiếp xúc với không ít DN tư nhân có nhu cầu vay vốn mới thấy những lỗ hổng của các DN này. Đó là năng lực sản xuất kinh doanh, quản trị điều hành, quản lý vốn của DN tư nhân còn yếu, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, hầu hết công nhân chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không đúng chuyên ngành dẫn tới năng suất lao động thấp.
Tài chính của DN còn yếu, vốn tự có chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số vốn xin vay NH, nhiều DN không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh đề nghị vay vốn hoặc chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi nên chưa tạo được niềm tin đối với NH. Chất lượng thông tin tài chính của DN chưa cao, dẫn tới việc tiếp cận vốn vay của các DN gặp khó khăn do chưa hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật, quy chế cho vay của các TCTD.
Lãnh đạo một NHTM cho biết, sau khi những DN lớn như Vinalines, Vinashin làm ăn thua lỗ khiến không ít NH cho vay bị nợ xấu ở mức cao. Những năm gần đây DN tư nhân, DNNVV trở thành đối tượng chính của các NH. Và trên thực tế, các DN có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã thuận lợi hơn tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý và phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của DN bao gồm cả ngắn hạn, trung và dài hạn.
Tuy vậy, nếu để “chìa khóa tăng trưởng nằm ở khu vực DN tư nhân” thì các chuyên gia NH cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao phải thực hiện rà soát tổng thể thực trạng các DN theo các tiêu chí cụ thể (tổng số DN đã cấp giấy phép hoạt động, các DN còn tồn tại đang hoạt động...), đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo chính sách hỗ trợ DNNVV được thực hiện hiệu quả, thiết thực.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện cung cấp các kiến thức và thông tin cần thiết cho DN, nhất là các thông tin về kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trợ giúp họ trong việc tư vấn kỹ thuật và tiếp cận công nghệ, trang thiết bị mới, đào tạo về vận hành, quản lý kỹ thuật và quản lý DN. Có như vậy sự kỳ vọng vào DN tư nhân đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế mới hiệu quả và thành hiện thực.